Đua nhau livestream bán hàng dịp Tết

Admin

Bán hàng trực tiếp gặp khó khăn do sức tiêu thụ còn yếu, người kinh doanh và doanh nghiệp chú trọng livestream để tiếp cận người mua dễ hơn.

Tại Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) diễn ra từ ngày 8 đến 12-1, lần đầu tiên ban tổ chức thực hiện livestream bán các loại hoa, kiểng, bonsai với sự tham gia của hàng chục nhà bán hàng, phần lớn là chủ các vựa hoa, cây giống tại địa phương.

Nhà vườn xông xáo

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 9-1, anh Nguyễn Triều, chủ vựa cây giống Nguyễn Triều (huyện Chợ Lách), cho biết gia đình anh đang tất bật đóng gói các đơn hàng đã được khách "chốt" trong phiên livestream tối 8-1.

Nhà vườn livestream bán hàng Tết ở Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) Ảnh: NGỌC ÁNH

Nhà vườn livestream bán hàng Tết ở Lễ hội hoa - kiểng Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) Ảnh: NGỌC ÁNH

"Chưa bao giờ tôi thấy đơn hàng tăng từng giây như vậy. Chỉ trong khoảng 13 phút sản phẩm lên sóng, đã có tới 400 đơn hàng được "chốt". Trong khi đó, bình quân hằng ngày, chúng tôi chỉ bán được khoảng 100 đơn hàng" - anh Triều so sánh.

Các sản phẩm mà vựa anh Triều bán là mận giống, ổi tím, nho thân gỗ… Theo anh, "bí kíp" để bán hàng hiệu quả qua livestream là phải có đối tượng khách hàng phù hợp.

"Nhà sáng tạo nội dung Huyền Phi chuyên nói về đồng quê nên rất hợp với cây cảnh, nếu mời KOL, KOC chuyên về thời trang, mỹ phẩm có thể hiệu quả sẽ không bằng" - anh Triều nhận xét.

Chị Hồ Thơ, chủ vựa cây giống Huyền Linh Garden (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) - một trong những nhà bán hàng có kinh nghiệm livestream hơn 1 năm qua, cho biết đang tăng tốc cho mùa Tết. Khoảng 10 ngày nay, ngày nào nhân công đóng hàng của vựa chị cũng phải tăng ca.

"Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi livestream 10 - 12 giờ, còn khách là còn lên sóng, nhờ vậy mà doanh số lên đến 40 - 60 triệu đồng/ngày" - chị Thơ tiết lộ.

Mặt hàng bán mạnh nhất là cúc mâm xôi và khách mua nhiều nhất là ở khu vực phía Bắc; tiếp theo là kim ngân lượng, phát tài, hoa giấy… Nhờ hình thức livestream mà việc bán hàng Tết sớm hơn khoảng nửa tháng so với trước đây.

Không chỉ các nhà vườn cây giống tham gia sự kiện mới livestream bán hàng. Dịp Tết năm nay, nhiều nhà vườn trồng hoa, cây cảnh, trái cây và các loại nông sản khác cũng mở gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội để bán hàng, đồng thời livestream nhằm tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

Doanh nghiệp cũng tham gia

Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) cũng tham gia livestream bán hàng Tết với sản phẩm sầu riêng đông lạnh trong phiên Megalive ngày 8-1 trên kênh một số nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng như: Lê Anh Nuôi, Tạp hóa Pew Pew, Hoàng Kim Chi…

Sản phẩm được Công ty Chánh Thu đưa ra bán là sầu riêng Ri 6 loại 1, được cấp đông nguyên trái theo công nghệ ni-tơ lỏng mà doanh nghiệp này đang áp dụng để xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Canada. Mỗi thùng 2 quả sầu riêng đông lạnh 5 kg có giá gốc 911.500 đồng, người dùng có thể mua với giá 545.000 - 700.000 đồng. Đây là sản phẩm đang "hot" nên chỉ 2 ngày triển khai đã có tới 52 triệu lượt tiếp cận qua livestream hoặc video; 200.000 lượt xem gian hàng với 320 đơn hàng được bán (đợt 1).

Trong khi đó, ông Phan Minh Thức, đồng sáng lập Công ty TNHH Ba Thức Food (Ba Thức Food) - có nhiều năm kinh nghiệm livestream bán sản phẩm bò khô, mật ong - cho biết những mặt hàng này tiêu thụ rất mạnh dịp Tết. Vì vậy, công ty tăng tần suất livestream từ 1 buổi (3 giờ) mỗi tuần lên 2-3 buổi. Mỗi buổi, công ty bán được vài trăm ký bò khô - tăng nhiều so với ngày thường. Công ty đã chuẩn bị nguồn hàng và dự kiến chỉ bán đến 20 tháng chạp để tránh trường hợp đơn vị vận chuyển quá tải sẽ làm tăng tỉ lệ hoàn trả hàng.

Về kinh nghiệm bán hàng thực phẩm Tết khi livestream, ông Thức cho rằng cần nhấn mạnh chi tiết sản phẩm đặc sản để đãi khách và biếu tặng. Sản phẩm cần có bao bì với mẫu Tết riêng vì khách hàng rất chuộng. "Ngày Tết cũng nên chạy quảng cáo để lượt người xem, lượt chốt đơn nhiều hơn" - ông Thức cho hay.

Sau 3 tháng mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, ông Hồ Đắc Minh Quân, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Vua Cua, cũng tham gia livestream bán hàng Tết hằng ngày. Do mới bắt đầu bán hàng livestream nên công ty đang thử nghiệm 2 khung giờ là 18 - 20 giờ và 20 - 22 giờ, để xem thời điểm nào tiếp cận khách hàng tốt hơn.

Sản phẩm mà Vua Cua livestream bán là các loại xốt hải sản bảo quản trong nhiệt độ thường; sản phẩm đông lạnh với bánh canh cua, ốc len xào dừa, xôi bắp chợ Bến Thành. Đây là những sản phẩm mà doanh nghiệp từng xuất khẩu sang Mỹ.

"Mùa Tết, những mặt hàng tiện lợi rất phù hợp bởi chỉ cần vài thao tác đơn giản đã có thể ăn ngay. Chúng tôi sẽ livestream đến cận Tết nhờ tự giao hàng, không phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển" - ông Quân nói.

Shipper "chạy không kịp thở"

Livestream bán hàng bùng nổ kéo theo lượng đơn hàng cũng tăng chóng mặt từ cuối năm 2024 đến nay. Thời gian gần đây, các dịch vụ đóng gói, vận chuyển chuyên nghiệp cũng "chạy không kịp thở" và dự kiến còn kéo dài đến tận Tết Nguyên đán.

Theo nhiều shipper tại TP HCM, số đơn hàng giao trong vài ngày gần đây đã lên 300 đơn/ngày. Trường hợp hàng cồng kềnh hoặc kích thước lớn, họ phải giao 3-4 lần mới xong. Không chỉ shipper quá tải mà nhiều shop cũng bị các sàn thương mại điện tử yêu cầu giao đơn sớm, nếu không sẽ bị ảnh hưởng đến điểm trên sàn.

Anh Lê Văn Sơn (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), shipper Shopee Xpress, thông tin số đơn hàng từ đầu năm 2025 đến nay tăng 20%-30% so với ngày thường, với hơn 250 đơn/ngày - cao hơn cả đợt "siêu sale" 2 tháng cuối năm 2024. Với lượng hàng này, anh phải chạy giao liên tục từ sáng sớm đến tối mới hoàn thành.

"Lượng hàng Tết đã tăng mạnh mấy ngày qua. Anh em shipper phải dậy sớm đến bưu cục soạn hàng và sắp xếp theo từng điểm để giao đơn thuận tiện, nhanh nhất rồi còn chạy giao các đơn khác. Giống như 2-3 năm trước, sau khi công ty nghỉ Tết, tôi chạy thêm cho một số shop quen vài ngày để kiếm thêm do lúc đó cũng còn nhiều hàng" - anh Sơn kể.

Anh Hoàng Hải, nhân viên Giao hàng Tiết kiệm, cho hay lượng đơn hàng đã tăng gấp đôi, gấp ba mọi ngày. Hiện nay, khi đơn hàng vừa về bưu cục và được phân loại xong, shipper phải "vắt chân lên cổ" chạy để kịp giao trong ngày, nếu không sẽ ngập trong đống sản phẩm, dẫn đến trễ đơn. "Chúng tôi nhiều lúc phải vừa chạy xe vừa nhai bánh mì trừ bữa mới kịp giao hàng cho khách, không còn thong thả ngồi uống ly cà phê như trước" - anh Hải nói.

Cũng đang "bơi" trong đống đơn hàng phải giao trong dịp cuối năm, anh Hoàng Phương (ngụ TP Thủ Đức) cho hay phải hoạt động hết công suất với hơn 200 đơn/ngày. "Những ngày cận Tết, đơn hàng rất nhiều, phải giao cho hết mới an tâm được, sợ mai ngập hàng coi như không giao nổi. Hầu như shipper nào cũng "cày" xuyên trưa đến tối muộn" - anh chia sẻ.

Theo các shipper, đơn hàng tăng trong mùa Tết đồng nghĩa với thu nhập cũng tăng nhưng thực tế công việc này lại gặp không ít khó khăn. Một số khách hàng mua quá nhiều sản phẩm online đến mức quên mất mình đã đặt hàng, dẫn đến hiểu lầm shipper giả mạo để lừa đảo. "Nhiều người mắng chửi, ngắt liên lạc, chúng tôi phải mất thời gian đưa hàng về bưu cục để xác nhận và giao lại lần sau" - anh Hoàng Hải kể.

Ngoài ra, có khách không nghe máy, khiến shipper không thể hoàn thành đơn trong ngày. Việc này khiến đơn hàng tồn đọng, có nguy cơ thất lạc hoặc hư hỏng, làm mất thời gian và ảnh hưởng đến chuyện đánh giá chất lượng công việc của shipper. Đối với các đơn hàng đồng kiểm, nếu khách không hài lòng, shipper phải giữ để giao chung với các đơn khác trước khi hoàn trả bưu cục. Trường hợp hàng bị mất, shipper phải bỏ tiền túi để đền bù.

Không chỉ vậy, việc giao hàng trong mùa Tết năm nay còn đối mặt rủi ro bị xử phạt vi phạm giao thông với mức rất cao theo quy định mới. Các lỗi mà shipper thường gặp là chở hàng cồng kềnh che lấp biển số xe, chạy xe trên vỉa hè, nghe điện thoại trong lúc điều khiển phương tiện… 

Tung voucher giảm giá, kích thích người mua

Trên các sàn thương mại điện tử TikTok, Shopee, Lazada... và nền tảng Facebook, từ sau Tết dương lịch đến nay, các phiên livestream bán hàng diễn ra rầm rộ bất kể ngày đêm. Trong đó, phổ biến nhất là livestream bán hàng thời trang, thực phẩm Tết, đồ trang trí, đồ dùng trong nhà dịp Tết. Để kích thích nhu cầu mua sắm, các nền tảng đã tung ưu đãi phí vận chuyển, mã giảm giá từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng nếu khách mua những đơn hàng lớn.

Đại diện TikTok cho biết trong chiến dịch "Sắm Tết bao vui năm 2025" kéo dài đến ngày 15-1, nền tảng này tung ra rất nhiều voucher freeship, voucher giảm giá đến 2 triệu đồng để thu hút người mua trong phiên live của các nhà sáng tạo nội dung như Hằng Du Mục, Quang Linh, Lương Đỗ, Pháp Kiều... với nhiều ưu đãi độc quyền.