Doanh thu tiền tỷ từ cái "bắt tay" làm du lịch cộng đồng

Admin

Du lịch cộng đồng tạo việc làm, cải thiện thu nhập và bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, để bền vững, cần sự sáng tạo và đổi mới liên tục.

Hành trình từ con số 0

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã ghi nhận bước phát triển mạnh mẽ, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc. 

Song, loại hình du lịch này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như phát triển tự phát, thiếu định hướng chiến lược và chưa giải quyết tốt sự liên kết giữa du lịch với các ngành nghề khác. Nhiều mô hình còn rập khuôn, thiếu tính đặc trưng và không đủ sức hấp dẫn để giữ chân du khách.

Theo các chuyên gia, làm du lịch cộng đồng cần một tư duy sáng tạo và đổi mới, thay vì chỉ dựa trên những gì sẵn có. Tài nguyên văn hóa và cảnh quan thiên nhiên là vốn quý, nhưng cần được khai thác một cách chuyên nghiệp và bài bản để nâng cao giá trị.

Ở Yên Bái, với các giải pháp thiết thực như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa truyền thống và sáng tạo sản phẩm du lịch độc đáo, tỉnh đã hình thành những điểm đến nổi bật như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Nậm Khắt hay Cao Phạ. Những điểm này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn giúp cộng đồng dân cư địa phương chuyển mình mạnh mẽ.

Một điển hình thành công trong du lịch cộng đồng tại Yên Bái là mô hình homestay "Hello Mù Cang Chải" của  Giàng A Dê, người con dân tộc Mông ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Tốt nghiệp ngành kinh tế và từng làm việc tại Viettel, A Dê không ngừng trăn trở về con đường làm giàu trên chính quê hương mình khi công việc không ổn định.

“Tôi nhận ra rằng không đâu bằng quê hương mình. Vẻ đẹp ruộng bậc thang, văn hóa độc đáo của người Mông là tài sản quý giá. Nếu biết cách khai thác, đây không chỉ là cơ hội thoát nghèo mà còn là cách để gìn giữ văn hóa bản địa”, anh Dê tâm sự với Người Đưa Tin.

Doanh thu tiền tỷ từ cái "bắt tay" làm du lịch cộng đồng- Ảnh 1.

Hai vợ chồng anh Giàng A Dê (Ảnh:NVCC).

Năm 2017, anh quyết định từ bỏ công việc tại Viettel để bắt đầu khởi nghiệp với mô hình homestay. Thời điểm đó, anh nhận thấy Mù Cang Chải thu hút đông đảo du khách săn mây và ngắm ruộng bậc thang, nhưng hầu hết họ phải dựng lều ngủ ven suối do không có nơi lưu trú.

“Lúc ấy tôi nghĩ, nếu mình mở dịch vụ lưu trú, chắc chắn sẽ có khách. Nhưng để làm được, phải bắt đầu từ con số 0 – từ vốn, kiến thức đến kinh nghiệm. Thách thức lớn, nhưng tôi tin vào tiềm năng nơi này”, anh kể.

Trong khi anh ở nhà khai hoang, đào đất, vác từng tảng đá để dựng nhà, vợ anh lên Sa Pa làm thuê ở các nhà hàng để học cách phục vụ khách du lịch và học tiếng anh. Cuộc sống khó khăn, nhưng không làm anh nản lòng.

“Từng sọt sỏi, từng tảng đá được vác bằng đôi vai. Những ngày thiếu tiền, chúng tôi vay mượn khắp nơi. Lúc thiếu kiến thức, tôi học từ sách vở và kinh nghiệm thực tế. Có những hôm mệt rã rời nhưng nghĩ đến ngày homestay hoàn thành, tôi lại tiếp tục”, anh chia sẻ.

Cuối cùng, sau nhiều tháng vất vả, “Hello Mù Cang Chải” chính thức ra đời trên một quả đồi hoang, trở thành homestay đầu tiên tại La Pán Tẩn. Dần dần, nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến Mù Cang Chải.

Với slogan “Đi là thích - đến là mê”, năm 2019 homestay đón hơn 600 lượt khách, mang lại doanh thu trên 250 triệu đồng. Đến năm 2020, A Dê nâng cấp mô hình thành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải.  Hiện tại, công ty đã nâng doanh thu hàng năm đạt gần 800 triệu đồng.

Hello Mù Cang Chải có 8 bungalow, 1 homestay với 5 phòng, cùng gần 20 tour du lịch trải nghiệm như leo núi, dù lượn, tham quan bản làng, bắt cá, cấy lúa. Đặc biệt, mô hình này đã truyền cảm hứng cho hơn 40 thanh niên người Mông ở La Pán Tẩn tham gia phát triển du lịch cộng đồng, từ đó cải thiện đời sống của nhiều gia đình.

Doanh thu tiền tỷ từ cái "bắt tay" làm du lịch cộng đồng- Ảnh 2.

Hello Mù Cang Chải mang đến cho du khách những trải nghiệm lưu trú đầy thú vị giữa ruộng bậc thang hùng vĩ.

Không chỉ tập trung vào kinh doanh, A Dê còn tích cực hỗ trợ cộng đồng. Anh tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em và thanh niên, đào tạo họ trở thành hướng dẫn viên du lịch. 

Hello Mù Cang Chải hiện có 5 nhân viên và 6 hướng dẫn viên thành thạo tiếng Anh, cùng 200 lao động thời vụ tham gia vào các hoạt động du lịch. Anh cũng xây dựng tủ sách miễn phí “I Have A Book” và liên kết với các tổ chức phi lợi nhuận để hỗ trợ thanh niên học nghề.

“Tôi hy vọng những việc mình làm sẽ giúp cải thiện đời sống người dân trong bản, truyền cảm hứng để bà con vươn lên thoát nghèo”, anh chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái, từ mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại bản Đêu, xã Nghĩa An năm 2005, đến nay, toàn tỉnh đã có 209 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng và 25 điểm du lịch đặc sắc tại các huyện như Mù Cang Chải, Văn Yên, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ. 

Trung bình, mỗi hộ đón khoảng 600 - 700 lượt khách mỗi năm, chủ yếu là khách lẻ hoặc theo nhóm nhỏ, trong đó có nhiều du khách quốc tế đến từ Anh, Pháp, Canada.

Để nâng tầm du lịch cộng đồng, tỉnh Yên Bái đã ban hành Bộ tiêu chí tạm thời công nhận thôn, bản du lịch cộng đồng, làm cơ sở định hướng và nâng cao chất lượng các mô hình. Đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực kết hợp giữa bảo tồn văn hóa, khai thác cảnh quan và phát triển kinh tế bền vững, mở ra hướng đi mới cho các cộng đồng dân cư vùng cao.

Cái

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 209 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng và 25 điểm du lịch đặc sắc tại các huyện như Mù Cang Chải, Văn Yên, Yên Bình và thị xã Nghĩa Lộ.

Sự "lột xác" ngoạn mục của một bản làng nghèo

Nếu La Pán Tẩn là đại diện cho sức mạnh của bản sắc dân tộc thì Sin Suối Hồ (Lai Châu) lại minh chứng cho tinh thần vượt khó và sự gắn kết cộng đồng.

Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bản làng này từng chìm trong nghèo đói và hệ lụy của ma túy. Trong gần một thập kỷ qua, nơi đây đã có một cuộc "lột xác" ngoạn mục, trở thành một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất Việt Nam, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam công nhận vào năm 2020 và vinh danh bởi ASEAN vào năm 2022.

Thành tựu này không chỉ đến từ tiềm năng thiên nhiên, mà còn là công sức của những con người đầy tâm huyết, đặc biệt là Giám đốc HTX Trái Tim Sin Suối Hồ, anh Hảng A Xà - người đã dẫn dắt người dân nơi đây bước sang một trang mới.

Nhìn lại hành trình khởi nguồn, anh Hảng A Xà - một người dân tộc Mông không khỏi xúc động. Trăn trở về tương lai, anh nhận ra tiềm năng phát triển du lịch của bản với cảnh quan thiên nhiên tráng lệ, khí hậu mát mẻ quanh năm và thác nước Trái Tim đầy thơ mộng. Ý tưởng thành lập HTX Trái Tim đã nảy sinh từ tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương.

Cái

Đến nay, HTX Trái Tim đã phát triển 20 hộ làm dịch vụ homestay, cùng nhiều khu nghỉ dưỡng độc đáo.

Năm 2014, HTX Trái Tim chính thức ra đời, quy tụ 12 hộ gia đình với số vốn ban đầu 1 tỷ đồng. Những ngày đầu, HTX đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ kinh phí hạn chế đến thiếu kinh nghiệm làm du lịch. Nhưng với sự sáng tạo và quyết tâm, anh A Xà đã dẫn dắt HTX vượt qua thử thách.

HTX Trái Tim tập trung vào phát triển mô hình du lịch canh nông, kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp. Khác với những điểm đến hiện đại, Sin Suối Hồ giữ vẹn nguyên vẻ mộc mạc, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm nông nghiệp tại đây đều được nuôi trồng sạch, mang đến trải nghiệm an lành cho du khách.

Từ những ngày đầu chỉ với 4 nhà nghỉ và một bếp ăn tập thể, đến nay, HTX đã phát triển 20 hộ làm dịch vụ homestay, cùng nhiều khu nghỉ dưỡng độc đáo như nhà tổ chim trên cây, nhà tổ ong và khu Bungalow mang đậm phong cách bản địa. Với hơn 140 giường ngủ, Sin Suối Hồ hiện có thể đón tới 300 khách mỗi ngày, gấp ba lần so với trước kia.

Doanh thu tiền tỷ từ cái "bắt tay" làm du lịch cộng đồng- Ảnh 5.

"Nhà tổ chim" – căn phòng 7m² nhỏ gọn, đầy đủ tiện nghi: chỗ sinh hoạt, bình nóng lạnh, và wifi riêng.

Ngoài dịch vụ lưu trú, HTX còn có 6 hộ kinh doanh ăn uống, cà phê, cùng hàng loạt sản phẩm địa phương như: Lan trần mộng, thổ cẩm, quà lưu niệm. Đặc biệt, du khách được hòa mình vào cuộc sống bản địa, tham gia các hoạt động như tham quan thác Trái Tim, chợ phiên, trải nghiệm văn hóa dân tộc và thưởng thức đặc sản địa phương.

Một trong những bí quyết thành công của HTX là tinh thần gắn kết cộng đồng. Người dân trong bản cùng góp sức xây dựng các công trình như lối đi đến thác Tình Yêu, thác Ma Quai Thàng hay các đỉnh núi nổi tiếng như Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn.

Nguồn thu từ hoạt động du lịch được HTX trích một phần để tái đầu tư và hỗ trợ các hộ dân, đảm bảo lợi ích được chia sẻ đồng đều. Nhờ đó, không chỉ HTX mà cả cộng đồng Sin Suối Hồ đều được hưởng lợi. 

Hiện tại, mỗi năm, HTX đón hơn 30.000 lượt khách, đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng, mang lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm cho mỗi thành viên và tạo việc làm ổn định cho 40 lao động địa phương.

Để làm du lịch bền vững, HTX không ngừng đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực. Các thành viên được tham gia các khóa học về nghiệp vụ du lịch, quản trị nhà hàng, khách sạn và tiếng Anh. Đáng chú ý, con gái của anh Hảng A Xà nói tiếng Anh lưu loát và sử dụng nền tảng số thành thạo để quảng bá du lịch Sin Suối Hồ, mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế.

Anh A Xà chia sẻ: "Chúng tôi không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu xây dựng Sin Suối Hồ trở thành "Làng du lịch tốt nhất thế giới' do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) vinh danh".

Hành trình của HTX Trái Tim không chỉ là câu chuyện về sự thay đổi của một bản làng, mà còn là biểu tượng cho tinh thần vượt khó và lòng yêu quê hương. Bằng tâm huyết và sự dẫn dắt tài tình của anh Hảng A Xà, Sin Suối Hồ đã trở thành niềm tự hào của Lai Châu, một điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá vẻ đẹp Tây Bắc.

Cái

Anh Hảng A Xà - Giám đốc HTX Trái Tim Sin Suối Hồ (đứng thứ 2 từ phải sang). Ảnh: NVCC

Theo ông Hoàng Văn Đại - Phó Bí thư thường trực xã Sin Suối Hồ, hiện Sin Suối Hồ có 145 hộ, hơn 600 khẩu. Không phải 100% người dân đều sống từ du lịch nhưng nói đến hưởng lợi từ du lịch thì 100% người dân đều được hưởng lợi. 

Vì ngoài những người làm các dịch vụ liên quan trực tiếp đến du lịch, thì còn có những người chuyên dệt vải, trồng lan, cung cấp nông sản sạch, đồ lưu niệm… cũng được hưởng lợi từ du lịch.

Đến nay, cuộc sống của các hộ dân ở Sin Suối Hồ khá sung túc. Các ngôi nhà khang trang, rộng rãi được đầu tư.  Mô hình du lịch tại Sin Suối Hồ thậm chí còn là mô hình kiểu mẫu, được nhiều địa phương đến học tập.

Tỉ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn dưới 10 hộ, tỉ lệ hộ giàu chiếm 40%. Cuộc sống người dân Sin Suối Hồ so với trước kia thay đổi rõ rệt. 

Tuy nhiên, theo anh Hảng A Xà và ông Hoàng Văn Đại, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng trong quá trình làm du lịch, phát triển kinh tế, người dân ở Sin Suối Hồ vẫn gặp khó khăn về vốn. 

Để làm được điều này, theo ông Đại, xã xác định từ 2021-2025 sẽ phấn đấu đưa bản du lịch Sin Suối Hồ thành sản phẩm OCOP 4 sao. Đưa nội dung bảo tồn, phát triển văn hóa vào các trường học. Đi cùng với đó, xã xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm sạch để mở rộng đầu ra cho nông sản địa phương và đưa tốc độ khách du lịch tăng 15%/năm.

Còn từ 2025-2030, Sin Suối Hồ hướng đến mục tiêu phát triển theo lộ trình của huyện và của tỉnh, trong đó tiếp tục theo định hướng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xác định phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của địa phương.

Cuộc sống người dân khởi sắc nhờ mô hình phát triển du lịch cộng đồngĐẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng tại một xã của huyện biên giới

Ngoài ra, trước đề án phát triển du lịch cộng đồng của Bộ VHTTDL vừa phê duyệt, Sin Suối Hồ, Yên Bái hay tất cả các địa phương khác trên cả nước như được tiếp thêm sức mạnh để tiến xa hơn. 

Mục tiêu đến năm 2025, đưa các điểm du lịch cộng đồng trở thành hình mẫu về bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển bền vững, không chỉ là niềm hy vọng mà còn là lời cam kết. 

Những nỗ lực bảo tồn văn hóa, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và chia sẻ lợi ích hài hòa sẽ là nền móng vững chắc để nâng cao đời sống người dân.

Kim Thoa