Tại Ngày Công nghệ Thông tin Nhật Bản 2024 chiều 2/12 ở Hà Nội, đại diện Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT của Việt Nam là Vinasa và của Nhật Bản là JISA đều đánh giá Việt Nam "đã trở thành đối tác quan trọng và được ưu tiên lựa chọn" bởi các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT.
Thống kê của Vinasa cho thấy có khoảng 400 doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với đối tác Nhật, trong đó hơn 15 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 lao động, hơn 20 doanh nghiệp quy mô 500-1.000, và khoảng 100 doanh nghiệp với quy mô 200-500 lao động.
Khảo sát nhóm 20 doanh nghiệp thuộc cả ba quy mô trên, hiệp hội cho biết trong giai đoạn năm 2020- 2024, tổng doanh thu của nhóm tăng trưởng liên tục, từ mức 672 triệu lên 1,345 tỷ USD, tức hơn hai lần. Trong khi đó, tổng số lao động tăng thêm 8.000 người, khoảng 6-10% mỗi năm.
"Tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng nhân sự, cho thấy năng suất lao động được nâng lên rõ rệt", đại diện Vinasa đánh giá.
Ngoài ra, theo đại diện hiệp hội, việc doanh thu tăng trưởng mạnh cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang tiến lên các tầng giá trị cao hơn trong lĩnh vực CNTT. Điều này thể hiện ở việc các đơn vị đã tham gia những công đoạn như nghiên cứu, thiết kế sản phẩm với công nghệ mới như AI, blockchain. Ngoài ra, nhiều sản phẩm, giải pháp được các doanh nghiệp Việt đóng gói và cung cấp cho thị trường Nhật Bản, thay vì chỉ "gia công" như trước.
Nguyên nhân chung của sự tăng trưởng, theo các chuyên gia, đến từ việc Nhật Bản ngày càng thiếu nhân lực công nghệ thông tin, trong khi kỹ sư Việt Nam trưởng thành về chất lượng.
Ông Junya Kawamoto, đại diện JISA, đánh giá các thay đổi gần đây đã bộc lộ sự cũ kỹ trong hệ thống CNTT của Nhật Bản. Nước này có nhiều chính sách thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, nhưng lại đối mặt với thách thức lớn về thiếu hụt nhân tài.
Năm 2022, ngành dịch vụ CNTT của Nhật Bản đạt doanh thu 200 tỷ USD, với 1,17 triệu lao động, tăng trưởng mạnh so với giai đoạn trước 2020. Tuy nhiên sau giai đoạn đầu tư ra nước ngoài nhằm tìm kiếm nhân công giá rẻ, quốc gia này đang rơi vào tình trạng thiếu người lao động. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp METI, Nhật Bản có thể thiếu khoảng 789.000 nhân lực CNTT vào năm 2030.
"Việt Nam nổi lên như một đối tác lý tưởng nhờ lực lượng lao động trẻ, thành thạo công nghệ và có sự hỗ trợ từ chính phủ", ông Kawamoto nhận định.
Trong khi đó, kỹ sư IT Việt được đánh giá ngày càng trưởng thành cả về chất lượng và số lượng, với gần 400.000 người trong các lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ. Lợi thế của kỹ sư Việt là năng lực kỹ thuật tốt với chi phí tương đương hoặc rẻ hơn, cùng lợi thế trẻ và học nhanh công nghệ mới.
Theo ông Akira Watanabe, đại diện Uỷ ban hợp tác công nghệ thông tin Việt - Nhật VJC, doanh nghiệp Việt hiện có lợi thế năng lực kỹ thuật, chi phí cạnh tranh và sự am hiểu văn hóa Nhật Bản. Họ đóng góp vào nhiều lĩnh vực tại nước này như dự án chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển nhân lực và hiện đại hóa hệ thống, trong các lĩnh vực như công nghiệp sản xuất, ôtô, tài chính bảo hiểm, an toàn thông tin và công nghiệp bán dẫn.
"Tuy nhiên, để tiến xa hơn, các doanh nghiệp cần vượt qua thách thức về ngôn ngữ, ổn định nhân lực và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế", ông Watanabe đánh giá.
Lưu Quý