Trả lời:
Đo điện cơ là kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng, sử dụng tín hiệu điện để thăm dò, đo lường mức độ phản ứng của các dây thần kinh và cơ. Qua đó, bác sĩ kiểm tra chức năng hoạt động hoặc mức độ tổn thương các dây, rễ thần kinh ngoại vi, khớp thần kinh - cơ và các cơ.
Kỹ thuật này an toàn, tiện lợi, độ chính xác cao, giúp bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý như hội chứng ống cổ tay, các bệnh lý rễ thần kinh cổ, rễ thần kinh thắt lưng cùng do thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa, liệt dây thần kinh số 7, bệnh lý nhược cơ, viêm cơ...
Bác sĩ thường chỉ định đo điện cơ khi người bệnh có triệu chứng về cảm giác như tê bì, châm chích, mất cảm giác, mất thăng bằng hoặc triệu chứng vận động gồm yếu liệt, đau nhức, teo cơ. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho người bệnh ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ em, khi bác sĩ thấy cần thiết.
Bạn có thể đưa mẹ đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh để khám. Dựa trên kết quả khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp đo điện cơ phù hợp, tìm nguyên nhân chính xác gây triệu chứng tê yếu tay chân. Các kỹ thuật, máy đo điện cơ hiện đại giúp đánh giá, chẩn đoán các bệnh lý thần kinh - cơ liên quan. Từ đó, bác sĩ điều trị phù hợp cho mẹ bạn.
Kỹ thuật đo điện cơ thường có hai phần là đo dẫn truyền thần kinh và đo điện cơ kim. Khi đo dẫn truyền thần kinh, bác sĩ sử dụng luồn điện với biên độ thấp để kích thích các dây thần kinh, giúp đo lường thông số các dây thần kinh, đánh giá khả năng hoạt động của chúng như thế nào. Với đo điện cơ kim, bác sĩ dùng một cây kim nhỏ châm trực tiếp vào vùng cơ cần đo để đánh giá mức độ hoạt động của cơ lúc nghỉ ngơi và vận động.
BS.CKI Nguyễn Ngọc Công
Chuyên khoa Thần kinh
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |