Điều trị nấm ống ngoài tai

Admin

Dùng thuốc nhỏ tai, uống thuốc, làm sạch tai góp phần kiểm soát triệu chứng, điều trị nấm ống ngoài tai xảy ra do nấm.

Nấm ống tai ngoài là tình trạng nhiễm trùng ống tai ngoài do vi nấm, rất phổ biến. Bệnh gây khó chịu dai dẳng, đau tai, ngứa, nghe kém, chảy dịch tai có mùi hôi. Khi soi tai, bác sĩ thường thấy các sợi nấm màu trắng hoặc đen kèm phù nề thành ống tai, mủ sệt, mùi hôi.

Nấm ống tai ngoài không được khám và điều trị kịp thời có thể diễn tiến nặng, gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực, nhiễm trùng xương thái dương. BS.CKI Nguyễn Tri Minh Trí, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh nấm ống tai ngoài thường được chỉ định điều trị tại chỗ, bao gồm hút rửa, loại bỏ mô nấm và sử dụng thuốc nhỏ tai có thành phần diệt nấm.

Làm sạch tai

Qua nội soi tai, bác sĩ sử dụng dụng cụ và dung dịch chuyên dụng để loại bỏ nấm, làm sạch ống tai ngoài, nhờ đó tạo môi trường thông thoáng, giúp thuốc nhỏ tai phát huy công dụng tối ưu. Người bệnh không nên dùng tăm bông làm sạch tai tại nhà vì có thể khiến bệnh nặng, gây đau nhức.

Thuốc nhỏ tai

Thuốc nhỏ tai thường được chỉ định trong đa số các trường hợp viêm ống tai ngoài do nấm. Loại thuốc này có vai trò tạo môi trường axit trong tai (axit boric, axit acetic), ức chế sự tiến triển của nấm và vi khuẩn. Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc nhỏ tai khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh làm bệnh kéo dài, tăng nguy cơ biến chứng.

Kem và thuốc mỡ

Nếu tai chảy dịch, viêm vành tai, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc bôi để loại bỏ nấm và giảm triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ. Kem và thuốc mỡ chứa các thuốc kháng nấm được sử dụng trong một số trường hợp viêm ống tai ngoài do nấm nặng, dai dẳng hoặc sử dụng kết hợp với các thuốc nhỏ tai có tính axit để tăng hiệu quả.

Dùng thuốc

Đa số người bệnh nấm ống tai ngoài phải dùng thêm thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng dị ứng để giảm nhanh triệu chứng, tăng hiệu quả điều trị. Trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng thêm kháng sinh.

Người bệnh nên uống thuốc theo tư vấn của bác sĩ, không tự ngưng uống khi chưa hết thuốc, ngay cả khi các triệu chứng đã giảm bởi nấm ống tai ngoài có nguy cơ tái phát. Lúc này, việc điều trị khó khăn hơn.

Bác sĩ Trí tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trí tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Nấm ống tai ngoài thường không gây biến chứng nguy hiểm và ít phải điều trị ngoại khoa. Tuy nhiên, với người bệnh có hệ miễn dịch bị suy giảm, nấm ống tai ngoài dễ tiến triển, cộng sinh với vi khuẩn, xâm lấn, gây thủng màng nhĩ, viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, viêm màng não. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể phẫu thuật kết hợp dùng thuốc kháng nấm toàn thân.

Trong điều kiện bình thường, mỗi người cần chú ý vệ sinh tai đúng cách gồm giữ tai khô, sạch, không dùng chung dụng cụ, vệ sinh tai ở những cơ sở uy tín.

Đức Trí - Tiểu Cường

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp