Chuyên viên Dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trong ba loại chất dinh dưỡng đa lượng (carbohydrate, protein, chất béo) thì carbohydrate được tất cả tế bào trong cơ thể sử dụng do dễ phân hủy thành đường glucose. Đây là nhiên liệu cơ bản cung cấp năng lượng cho tế bào.
Các tế bào bình thường sau khi trưởng thành bị lão hóa dần và được thay thế bằng những tế bào mới. Trong khi các tế bào bất thường sẽ tiếp tục phát triển thành u lành tính hoặc ác tính. Thời gian đầu khối u nhỏ lấy oxy và chất dinh dưỡng từ các mạch máu gần đó, sau đó phát triển tăng kích thước tạo ra mạch máu mới nhằm tiếp nhận nhiều oxy và chất dinh dưỡng hơn.
Tế bào ác tính (ung thư) phân chia, phát triển và nhân lên với tốc độ nhanh nên tiêu tốn nhiều năng lượng, tương đương cần rất nhiều glucose, kể cả trong điều kiện thiếu oxy (còn gọi hiệu ứng Warburg). Chuyên viên Hòa dẫn nghiên cứu cho thấy tế bào ung thư cần sử dụng glucose nhiều hơn gấp 50-100 lần so với bình thường. Hiện chưa có bằng chứng cho thấy đường là yếu tố trực tiếp làm tăng kích thước khối u, nhưng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Cơ thể có thể điều chỉnh, kiểm soát mức glucose trong máu nhờ hormone insulin và các hormone khác. Trong khi, tất cả thực phẩm cung cấp năng lượng (carbohydrate, protein, chất béo) đều có thể chuyển đổi thành glucose. Vì vậy, khối u vẫn có thể lấy glucose từ các nguồn này cùng các dưỡng chất khác để tiếp tục phân chia.
Tuy nhiên, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường (nhất là đường tinh luyện và thực phẩm có chỉ số đường huyết cao) theo thời gian có thể gây thừa cân, béo phì, dẫn đến rối loạn hormone, có nguy cơ hình thành khối u ác tính.
Thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ kháng insulin. Đây là tình trạng tuyến tụy liên tục giải phóng insulin để đáp ứng với lượng đường trong máu cao, nhưng các tế bào trong cơ thể không phản ứng thích hợp bằng cách hấp thụ glucose. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu và insulin tăng cao mạn tính, kích thích sản xuất yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1), tăng sinh khối u ác tính.
Lượng insulin và glucose cao trong máu còn góp phần gây ra tình trạng viêm. Các tế bào mỡ đồng thời giải phóng protein adipokine gây viêm. Về lâu dài, viêm mạn tính dẫn đến sự hình thành, phát triển tế bào bất thường, góp phần thúc đẩy khối u tiến triển. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường tinh chế (bánh kẹo, nước ngọt) còn làm tăng stress oxy hóa trong cơ thể, dẫn đến tổn thương DNA và có nguy cơ hình thành khối u ác tính.
"Nhiều người lầm tưởng cắt giảm hoàn toàn đường sẽ hạn chế u tăng kích thước", chuyên viên Hòa nói, giải thích thêm rằng không có bằng chứng nào cho thấy tuân theo chế độ ăn kiêng đường làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Không có cách nào "bỏ đói" các khối u mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh. Ngược lại ăn kiêng nghiêm ngặt, lượng carbohydrate thấp có thể gây hại sức khỏe do đây là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Người bệnh ung thư ăn kiêng có thể giảm cân nhanh, thiếu chất, làm chậm quá trình phục hồi, tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Mọi người, kể cả bệnh nhân ung thư vẫn cần dùng đường ở mức hợp lý, phù hợp thể trạng. Thay vì dùng đường có thể thêm gia vị thảo mộc như quế, lá nguyệt quế và đinh hương... trong các món ăn, đồ uống. Hạn chế sử dụng đường tinh chế, đường tinh luyện trong đồ uống có đường, soda, bánh kẹo ngọt, kem... và thực phẩm chế biến sẵn. Nên tập thói quen đọc nhãn thành phần của thực phẩm trước khi sử dụng.
Chế độ ăn ưu tiên chất xơ trong rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Ăn bánh mì nguyên cám hoặc gạo lứt thay vì bánh mì trắng hoặc gạo trắng, ăn nguyên quả trái cây thay vì chỉ uống nước ép... Bổ sung thực phẩm có đặc tính chống viêm như cá béo (cá hồi, cá thu), dầu ô liu, nghệ, gừng, trà xanh... kết hợp tập thể dục và sinh hoạt lành mạnh giúp tăng sinh khối u ác tính. Người bệnh ung thư hoặc có khối u dù lành tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống phù hợp.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |