Điều gì thúc đẩy hàng loạt tập đoàn đăng ký làm metro ở TP HCM?

Admin

Nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đã đăng ký làm metro ở TP HCM

TP HCM đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo tinh thần Nghị quyết 188 của Quốc hội. Theo đó, trong 10 năm tới, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 7 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 355 km.

Nhiều tập đoàn đăng ký làm metro ở TP HCM

Dự kiến, 6 tuyến sẽ được khởi công vào năm 2027, riêng tuyến metro số 2 sẽ khởi công ngay trong tháng 12 năm nay. Kế hoạch này đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký làm metro ở TP HCM.

Mới đây, liên danh gồm Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Fecon (Việt Nam) cùng Tập đoàn PowerChina và Công ty Sucgi (Trung Quốc) đã đề xuất tham gia thực hiện tuyến metro số 2 và một số tuyến đường sắt đô thị khác tại TP HCM.

Liên danh này mong muốn thành phố áp dụng cơ chế của Nghị quyết 188 để chỉ định thầu đối với dự án metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương) cũng như các dự án liên quan.

Tập đoàn Vingroup cũng đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP HCM với huyện Cần Giờ (cũ), dài khoảng 48,7 km. Tập đoàn Sovico, cổ đông sáng lập hãng hàng không Vietjet Air, đã đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 4 dài hơn 47 km.

Điều gì thúc đẩy hàng loạt tập đoàn đăng ký làm metro ở TP HCM?- Ảnh 1.

TP HCM sẽ tập trung vốn triển khai 7 tuyến metro dài 355 km, với tổng nhu cầu vốn 1,2 triệu tỉ đồng.

Trước đó, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đã bày tỏ mong muốn được nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 2 (các đoạn Tham Lương - Bến Thành và Bến Thành - Thủ Thiêm) cùng tuyến đường sắt nối Thủ Thiêm với sân bay Long Thành. Tập đoàn Gamuda Land cũng đã đăng ký tham gia xây dựng tuyến metro từ trung tâm thành phố đến sân bay, cũng như tuyến metro số 2.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được khẳng định chính quyền thành phố luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhất là những đơn vị có năng lực và cam kết phát triển bền vững. Thành phố sẽ đa dạng hóa nguồn vốn, chuyển hướng từ đầu tư công sang huy động vốn tư nhân nhằm giảm áp lực cho ngân sách.

Một chuyên gia giao thông đô thị nhận định việc các doanh nghiệp lớn trong nước bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư metro là tín hiệu rất tích cực, cần được khuyến khích. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng tầm và thử sức ở những dự án quy mô lớn. Theo vị chuyên gia này, Nhà nước cần giữ vai trò định hướng, xây dựng tiêu chuẩn nền tảng cho hệ thống metro, đồng thời ban hành cơ chế chính sách phù hợp để tạo ra sân chơi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia.

Ông cũng cho rằng các đơn vị tham gia chắc chắn đã nhìn thấy tiềm năng và cơ hội lớn. Bài học từ Nhật Bản cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh đường sắt đô thị, từ đó mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thế mạnh sẵn có như xây dựng, chế tạo cơ khí, quản lý vận hành dự án.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội nâng tầm quy mô, gia tăng giá trị tài sản, cải thiện trình độ quản trị và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể đầu tư dự án metro đi kèm các dự án phát triển đô thị theo mô hình đô thị đường sắt (TOD) qua đó tạo động lực tăng trưởng dài hạn.