Dẹp 'loạn' quảng cáo

Admin

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Dẹp 'loạn' quảng cáo - Ảnh 1.

Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng có sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng.

Dự thảo nêu rõ: “Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải đảm bảo yêu cầu: phải có văn bản thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện, đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên trang mạng xã hội khi có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm”. Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đề xuất các nội dung liên quan đến quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, thực phẩm chức năng, sữa, dịch vụ khám chữa bệnh...

Những năm gần đây, việc quảng cáo của các nghệ sĩ, đặc biệt là trên các mạng xã hội, đã tạo ra nhiều tranh cãi. Nhiều người đã từng lên án chỉ trích gay gắt về tình trạng nghệ sĩ lợi dụng danh tiếng để quảng cáo trên mạng mà bỏ qua tính xác thực của sản phẩm. Đây còn được coi là dấu hiệu lừa dối khách hàng, lừa dối người hâm mộ.

Bà Vũ Thu Thủy - Trưởng phòng Quản lý hoạt động quảng cáo và tuyên truyền (Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL) cho biết, nội dung được đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, sẽ tháo gỡ những bất cập, chấn chỉnh hành vi của nhiều nghệ sĩ trong việc chuyển tải sản phẩm quảng cáo đến công chúng, người tiêu dùng.

“Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng có nhiều đối tượng sở hữu các tài khoản mạng xã hội rất đông lượt người theo dõi. Luật Quảng cáo sửa đổi sẽ nghiên cứu, đưa ra những chế tài chặt chẽ để quản lý” - bà Thủy thông tin.

NSƯT Lê Nguyên Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM cho rằng, đề xuất là cho thấy quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ. Đề xuất này nếu được thực hiện sẽ tạo hành lang pháp lý góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo có thể coi là một biện pháp hữu ích trong việc đảm bảo tính trung thực và đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Trong thời điểm có nhiều nghệ sĩ đang bất chấp để quảng cáo sai sự thật, việc áp dụng quy định thẩm định có thể giúp bảo đảm tính trung thực trong quảng cáo giúp người tiêu dùng không bị lừa đảo hoặc nhận thông tin sai lệch về sản phẩm và dịch vụ nhờ đó tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với các nghệ sĩ và thương hiệu nhãn hàng.

Trước đây, “Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật” đã được ban hành, quy tắc đó được cho là khá chi tiết về các quy tắc ứng xử chung của người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những khuyến cáo điều chỉnh hành vi chứ chưa phải luật. Đối với những người làm nghệ thuật thì việc bị khán giả quay lưng sẽ là hình phạt ghê gớm nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó mà đề cao trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng. Chính vì vậy, việc đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ khi quảng cáo sản phẩm được xem là bước tiến mạnh mẽ trong việc chấn chỉnh hành vi của giới nghệ sĩ.

Tuy nhiên, việc đánh giá sản phẩm trước khi quảng cáo là một thách thức, đòi hỏi phải có sự kiểm tra, rà soát cẩn trọng từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, nghệ sĩ và các chuyên gia để xây dựng một hệ thống đánh giá hợp lý và đáng tin cậy.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, tiêu chuẩn và quy trình thẩm định cần được quy định rõ, công khai, minh bạch thông qua việc công bố đầy đủ thông tin về cách thức kiểm tra, xếp hạng và giám sát sản phẩm. Hơn nữa, cần tạo ra các cơ chế đảm bảo tính độc lập, khách quan trong việc thẩm định sản phẩm. Cơ quan thẩm định không nên bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bên liên quan hoặc lợi ích cá nhân. Các thành viên của cơ quan thẩm định cần có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghệ thuật cũng như quảng cáo. Cùng với đó, cần cung cấp hướng dẫn, tư vấn cho nghệ sĩ và các nhà quảng cáo về quy trình thẩm định, tiêu chuẩn để giúp họ nâng cao nhận thức, tuân thủ pháp luật.

Gắn trách nhiệm của nghệ sĩ với chất lượng sản phẩm được quảng cáo là điều cần thiết để họ cẩn trọng trong việc quảng bá, tuyên truyền sản phẩm. Còn về phía các doanh nghiệp, những đơn vị có sản phẩm được quảng cáo thì phải có những chế tài mạnh để xử lý. Các doanh nghiệp phải có sự cam kết rõ ràng về sản phẩm của mình, có trách nhiệm khi đưa thông tin để nghệ sĩ thực hiện quảng cáo.