Đau ngực gần hai tháng bởi tắc mạch máu nuôi tim

Admin

TP HCMÔng Sinh, 55 tuổi, đau ngực âm ỉ gần hai tháng kèm đau bụng, khó tiêu, bác sĩ chẩn đoán mạch máu chính nuôi tim tắc gần hết.

Trước đó, ông Sinh được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, nghi ngờ bệnh tim, được cho dùng thuốc ngậm nitrat điều trị và ngừa cơn đau thắt ngực. Triệu chứng cải thiện song ông vẫn đau ngực âm ỉ, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám.

Ngày 18/9, ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ông Sinh có các dấu hiệu điển hình của bệnh mạch vành. Động mạch liên thất trước hẹp 95-99%, cần đặt stent gấp. Nếu tình trạng này kéo dài, nhánh mạch vành lớn nhất nuôi tim có nguy cơ tắc hoàn toàn, gây nhồi máu cơ tim.

Động mạch liên thất trước tắc gần hết (hình A) và sau khi can thiệp tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Động mạch liên thất trước tắc gần hết (hình A) và sau khi can thiệp tái thông (hình B). Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Nhờ hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS) dẫn đường, êkíp rút ngắn thời gian đánh giá mạch máu trước và sau can thiệp (chỉ 3 phút thay vì 5-10 phút như thông thường). Sau 45 phút, bác sĩ lần lượt đặt hai stent đường kính 3,5 mm và 4 mm vào đoạn liên thất trước bị hẹp, khơi thông dòng máu đến nuôi tim.

Siêu âm sau thủ thuật thấy lòng mạch liên thất trước được stent nong rộng tối đa, dòng máu lưu thông tốt. Ông Sinh hết hẳn triệu chứng.

Bác sĩ nong nhánh động mạch liên thất trước cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ nong nhánh động mạch liên thất trước cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

ThS.BS Trần Trung Kiên, khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý các triệu chứng của thiếu máu cơ tim thầm lặng rất mơ hồ, kết thúc nhanh, không rõ mức độ và cường độ. Điều này dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác.

Các dấu hiệu nhận biết gồm khó chịu ở vùng giữa ngực, cảm giác như có vật nặng đè lên ngực trong vài phút rồi biến mất. Đau một hoặc hai cánh tay, đau cổ, hàm và lưng, đổ mồ hôi lạnh ở vùng đầu - cổ, cảm giác buồn nôn và nôn; khó tiêu hoặc ợ nóng, buồn đi vệ sinh, chóng mặt cũng là biểu hiện bệnh.

Để phòng bệnh mạch vành, bác sĩ Kiêm khuyến cáo sống khoa học như tránh ăn nhiều chất béo có hại gồm mỡ, nội tạng động vật, hạn chế ăn thịt đỏ (thịt heo, thịt bò...), thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh... Nên ăn đạm từ thực vật, tăng cường trái cây, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, tránh thừa cân - béo phì, tập thể dục đều đặn, khám sức khỏe tim mạch 6 tháng một lần.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp