Đau đầu gối khi chạy bộ cảnh báo bệnh gì?

Admin

Viêm gân, viêm bao hoạt dịch, rách sụn chêm, hội chứng dải chậu chày là những bệnh thường gặp ở người chạy bộ với biểu hiện chung là đau đầu gối.

Chạy bộ là hoạt động thể thao đem đến nhiều lợi ích như tăng cường sức khỏe xương khớp, phát triển cơ bắp, cải thiện tâm trạng, tăng cường trí nhớ, tốt cho tim mạch... Tuy nhiên, chạy bộ cũng có thể dẫn đến một số chấn thương, thường gặp nhất là đau đầu gối.

ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau đầu gối sau khi chạy bộ có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý hoặc chấn thương.

Viêm gân bánh chè: Tình trạng này xảy ra khi khớp gối hoạt động liên tục kéo dài hoặc không được khởi động kỹ trước khi chạy. Điều này khiến gân xương bánh chè bị sưng tấy, đau do viêm.

Hội chứng dải chậu chày: Đây là tình trạng tổn thương hay kích ứng những mô sợi tại dải chậu chày. Chấn thương này xảy ra khi người bệnh vận động quá mức, co duỗi đầu gối. Khi đó, dải chậu chày siết chặt, kích thích và gây viêm. Sự siết chặt này tạo ra ma sát ở đầu gối khi người bệnh co chân và gây đau. Đôi khi, chấn thương này còn có thể gây ra các cơn đau ở hông. Người thường xuyên chạy bộ, nhất là chạy đường dài có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Chạy bộ là môn thể thao phổ biến trong cộng đồng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Chạy bộ là môn thể thao phổ biến trong cộng đồng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Bao hoạt dịch là một lớp đệm mỏng nằm trong bao khớp, chứa chất nhầy hoạt dịch. Tác dụng của hoạt dịch là bôi trơn hệ thống xương khớp, nuôi dưỡng các sụn khớp trong cơ thể. Khi chạy bộ trong thời gian dài, người tập buộc phải dùng khớp gối nhiều, gây quá tải ở khu vực này, rất dễ dẫn tới viêm bao hoạt dịch.

Rách sụn chêm: Chức năng của sụn chêm là giúp ổn định khớp, bảo vệ xương không bị hao mòn. Tuy nhiên, chỉ cần một cú xoay gối đột ngột khi chạy bộ cũng có thể gây rách sụn chêm. Trong một số trường hợp, khi một phần sụn gối bị rách, vỡ ra, kẹt vào khớp có thể dẫn đến thoái hóa khớp.

Tổn thương dây chằng: Bệnh không chỉ gây đau đầu gối khi chạy bộ mà còn có thể làm giảm khả năng vận động, đau cứng khớp, thoái hóa khớp... Tổn thương có thể xảy ra khi dây chằng đầu gối bị kéo căng quá mức hoặc bị đứt/rách do cử động vặn đột ngột, dang đầu gối quá rộng để vượt qua chướng ngại vật khi chạy hay dừng đột ngột giữa các sải chân.

Bác sĩ Ân kiểm tra tình trạng khớp gối người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Ân kiểm tra tình trạng khớp gối người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Ân cho biết người bị chấn thương khi chạy bộ hoặc xuất hiện các triệu chứng như đau nhói khi chạy, đau gây khó đi lại, sưng khớp, cơn đau kéo dài sau khi ngừng chạy... người bệnh cần dừng ngay mọi hoạt động để chân được nghỉ ngơi. Tiếp theo, nên áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà gồm chườm lạnh, băng ép, kê cao chân. Sau đó đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán và can thiệp kịp thời. "Chủ quan trước các chấn thương khi chạy bộ có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng nghiêm trọng như đau dai dẳng, thoái hóa khớp, gãy xương, nhiễm trùng xương...", bác sĩ Ân nói.

Người bệnh lưu ý không chạy cho tới khi chấn thương khỏi hoàn toàn. Trong thời gian điều trị, khi các triệu chứng đau nhức giảm, người bệnh có thể chuyển sang các hình thức tập luyện nhẹ nhàng hơn như bơi lội để không làm chấn thương nặng thêm, vẫn đảm bảo hệ cơ xương khớp linh hoạt.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp