Sau khủng hoảng, nhà hàng không còn để sushi lên băng chuyền, thay vào đó là ảnh đĩa sushi để thực khách chọn. Ảnh: Reuters. |
Chuỗi nhà hàng sushi Akindo Sushiro ở Nhật Bản mới đây đã kiện một thực khách, yêu cầu bồi thường 67 triệu yen (480.000 USD) vì ghi lại hành vi mất vệ sinh và chia sẻ hình ảnh này trên Internet. Đơn kiện đã được nộp lên tòa án tỉnh Osaka ngày 22/3, theo Japan Times.
Video ghi lại cảnh liếm sushi có hơn 22 triệu lượt xem vào thời điểm đăng tải. Dù xử lý vụ việc kịp thời bằng cách nhờ lực lượng chức năng điều tra, thiệt hại tới việc kinh doanh vẫn xảy ra. Chuỗi nhà hàng cho biết họ đã giảm doanh thu và cổ phiếu mất giá vì sự cố này.
Cụ thể, trong video, nam khách hàng liếm nắp của một lọ nước chấm, đưa vành của một chiếc cốc chưa qua sử dụng vào miệng. Sau đó, vị khách liếm nước bọt lên tay và bôi vào một đĩa sushi, theo Japan Times.
Tập đoàn Food & Life Cos chủ sở hữu chuỗi Akindo Sushiro đã ngay lập tức báo cảnh sát sau khi vụ việc xảy ra vào ngày 1/2. Họ cho biết đã nhận được lời xin lỗi trực tiếp từ "chủ nhân" trò đùa và bố mẹ của nam khách hàng. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn tiếp tục nhờ đến pháp luật can thiệp do thiệt hại về tài chính quá lớn.
Theo Bloomberg, Sushiro là thương hiệu sushi băng chuyền lớn nhất và bán chạy nhất Nhật Bản. Do đó, tổn thất về tài chính của chuỗi sushi lên đến 16 tỷ yen do cổ phiếu công ty mẹ mất 4,8% giá trị vào hôm 31/1 khi video được lan truyền, tờ địa phương Yomiuri đưa tin.
Nam thực khách liếm cốc, bôi nước bọt lên sushi. Ảnh: NDTV Food. |
Để giải quyết khủng hoảng trước mắt, Sushiro đã tạm thời hạn chế sử dụng băng chuyền để phục vụ đồ ăn. Thay vì cho khách hàng tự chọn và lấy đĩa sushi họ muốn, nhà hàng quyết định in ảnh món sushi đặt vào đĩa trống tương ứng trên đường băng để thực khách lựa chọn
Sushiro còn đặt thêm miếng nhựa trong suốt giữa băng chuyền và bàn ghế để tránh khách hàng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn đi ngang qua. Đũa, chai nước tương và cốc trà hiện chỉ được bày ra trước mặt thực khách sau khi họ đã vào chỗ ngồi.
Trường hợp của Sushiro được gọi là "khủng bố sushi", chỉ những người tìm tới các nhà hàng nổi tiếng, tự làm những hành động vi phạm an toàn thực phẩm rồi tung lên mạng xã hội.
Sushiro không phải thương hiệu duy nhất đối mặt với vấn đề này. Hai chuỗi sushi băng chuyền hàng đầu khác - Kura Sushi và Hamazushi - nói với CNN rằng họ đã gặp trường hợp tương tự.
Sushiro lắp đặt các tấm acrylic giữa băng chuyền và chỗ ngồi của thực khách. Ảnh: CNN/Courtesy Food & Life Companies Co. Ltd. |
Tháng 2/2019, một sinh viên đại học ở Osaka làm phụ bếp ở nhà hàng và "khoe" trên mạng cảnh mình ném miếng cá vào thùng rác, rồi nhặt lại đặt lên thớt và nấu nướng tiếp. Nam thanh niên này sau đó bị nhà hàng Kura Sushi đâm đơn kiện, đòi bồi thường 10 triệu yen.
Người phát ngôn của cảnh sát cũng cho hay những trò chơi khăm của nhóm đã buộc các nhân viên tại Kura Sushi phải dọn dẹp khẩn cấp, và làm “hoạt động kinh doanh bình thường trở nên khó khăn".
Khoảng hai ngày sau khi video của nam sinh viên đăng tải, lượng khách hàng tới chuỗi nhà hàng Kura Sushi tụt giảm mạnh. Theo Sora News, giá trị thị trường của doanh nghiệp này "bốc hơi" 2,7 tỷ yen trong thời gian ngắn.
Khác với Akindo Sushiro, Kura Sushi lựa chọn sử dụng công nghệ. Người phát ngôn của chuỗi nhà hàng cho biết từ năm 2019, họ đã trang bị camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các băng chuyền để thu thập dữ liệu về loại sushi mà khách hàng chọn và số lượng đĩa mà mỗi bàn tiêu thụ.
“Lần này, chúng tôi muốn triển khai camera do AI vận hành để theo dõi xem khách hàng có đặt món sushi mà họ đã lấy bằng tay trở lại đĩa hay không”, ông nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.