Đại học sẽ gặp khó với bách phân vị nếu thiếu dữ liệu

Admin

Năm đầu triển khai bách phân vị để xét tuyển, các trường đánh giá cao phương pháp này, đồng thời chỉ ra một số hạn chế nếu thiếu dữ liệu cần thiết.

Sau khi công bố điểm sàn và nguyên tắc quy đổi điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã nhận được nhiều thắc mắc từ thí sinh liên quan đến cách quy đổi, sự chênh lệch giữa các tổ hợp và chiến lược đặt nguyện vọng sao cho tăng cơ hội trúng tuyển. Một số em cũng đặt câu hỏi về việc sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, kỳ thi có đảm bảo công bằng hay không.

Quy tắc áp dụng bách phân vị

Lý giải thêm về cơ chế quy đổi, ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên của Đại học Kinh tế - Luật, cho biết trường sẽ không quy đổi điểm của từng thí sinh về 1 thang điểm chung để xét tuyển. Thay vào đó, trường áp dụng phương pháp bách phân vị - đảm bảo mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức (thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, điểm học bạ...) tương đương theo phân vị và mức độ đáp ứng yêu cầu đầu vào của từng ngành/chuyên ngành/chương trình đào tạo.

“Điều quan trọng không phải là các em đạt bao nhiêu điểm, mà là các em đứng ở vị trí nào trong nhóm thí sinh đăng ký vào trường. Nhà trường sẽ xét từ top trên xuống dưới, đảm bảo sự tương đương về mặt phân vị giữa các phương thức”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ví dụ, mỗi tổ hợp và phương thức xét tuyển được chia thành khoảng 100 phân vị. Nếu xác định lấy phân vị 5%, trường sẽ chọn ra 5% thí sinh có thứ hạng cao nhất trong mỗi nhóm phương thức hoặc tổ hợp, tùy theo yêu cầu đầu vào của từng ngành và chương trình đào tạo.

Dựa vào số lượng thí sinh đăng ký, Đại học Kinh tế - Luật sẽ lập bảng bách phân vị riêng cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển. Từ đó, nhà trường xác định mức điểm chuẩn cho từng phương thức, đồng thời công bố bảng quy đổi điểm trúng tuyển theo phương pháp bách phân vị để thí sinh tham khảo.

quy doi diem xet tuyen anh 1

Bộ GD&ĐT công bố bách phân vị thống kê mức điểm theo 7 khối thi truyền thống. Ảnh: Moet.

"Bách phân vị không đo lường độ khó của đề thi hay điểm số tuyệt đối, mà là thứ hạng tương đối của thí sinh so với toàn bộ nhóm tham gia kỳ thi đó". Đây là điều được PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đề cập khi thảo luận về bách phân vị.

Ông lấy ví dụ “top 5%” nghĩa là thí sinh nằm ở bách phân vị 95 - tức là vượt qua 95% số thí sinh còn lại. Tương tự, “top 10%” là bách phân vị 90 - vượt qua 90% thí sinh còn lại. Theo nguyên lý xác suất - thống kê, bách phân vị 95 luôn thể hiện năng lực cao hơn bách phân vị 90, vì đó là vị trí cao hơn trong phân bố điểm nên không thể có chuyện “chưa chắc giỏi hơn” nếu đang xét về thứ hạng một cách thuần túy.

Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Độ khó của đề thi (dẫn đến phổ điểm cao hoặc thấp) và chất lượng của nhóm thí sinh tham gia kỳ thi đó. Nếu hai kỳ thi hoặc hai tổ hợp xét tuyển có nhóm thí sinh với phân bổ năng lực tương đương, việc so sánh bằng bách phân vị là hoàn toàn hợp lý và công bằng.

Ông tiếp tục lấy ví dụ một thí sinh đạt bách phân vị 95 ở tổ hợp D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh) - vốn có phổ điểm cao hơn, tương đương với một thí sinh đạt bách phân vị 95 ở tổ hợp A00 (Toán - Vật lý - Hóa học) - phổ điểm thường thấp hơn. Dù điểm số có thể khác nhau, PGS Dũng nhận định bách phân vị 95 luôn thể hiện thứ hạng cao hơn bách phân vị 90, bất kể tổ hợp nào, độ khó có đề thi ra sao.

“Nếu nhóm thí sinh ở tổ hợp ‘dễ’ yếu hơn (ví dụ thu hút nhiều thí sinh trung bình), bách phân vị 95 ở đó có thể không ‘giỏi bằng’ bách phân vị 90 ở tổ hợp ‘khó’ với thí sinh giỏi hơn. Tuy nhiên, đây không phải là lỗi của bách phân vị mà là do sự khác biệt về nhóm thí sinh. Hệ thống xét tuyển ở Việt Nam giả định rằng các tổ hợp có phân bố năng lực thí sinh tương tự (dựa trên dữ liệu thống kê thực tế từ hàng triệu thí sinh) nên bách phân vị là công cụ tốt nhất để chuẩn hóa”, PGS Dũng nói.

Vẫn còn gặp khó

Nói thêm về việc áp dụng bách phân vị trong tuyển sinh, ThS Cù Xuân Tiến cho biết phương pháp bách phân vị mà trường áp dụng hiện nay dựa trên hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn 2457/BGDĐT-GDĐH ngày 19/5/2025. Dù vậy, quá trình xây dựng bảng quy đổi vẫn gặp khó khăn, đặc biệt với phương thức xét học bạ do thiếu dữ liệu đối sánh đáng tin cậy với các phương thức khác.

Ông Tiến cho biết nguyên tắc cốt lõi để xây dựng bảng quy đổi theo bách phân vị là phải có cùng một tập dữ liệu - tức là các thí sinh phải đồng thời tham dự cả hai kỳ thi (ví dụ như tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực hoặc cùng thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy). Nếu thiếu sự đồng nhất này, việc quy đổi sẽ không có cơ sở khoa học chắc chắn.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng mục đích dự thi của thí sinh ảnh hưởng lớn đến chất lượng bài làm. Những em thi để xét tuyển đại học thường đầu tư nhiều hơn so với thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp, điều này khiến dữ liệu thống kê điểm ở các tổ hợp dễ bị nhiễu nếu không thể phân tách nhóm rõ ràng.

quy doi diem xet tuyen anh 2

Các trường cần có cùng một tập dữ liệu để thực hiện quy đổi chính xác. Ảnh: Phương Lâm.

Cần có cùng tập dữ liệu cũng là điều mà PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đề cập khi thảo luận về bách phân vị trong xét tuyển đại học. Theo ông, nếu hai tập dữ liệu không đồng nhất (khác tệp thí sinh, khác kỳ thi), việc quy đổi dựa trên bách phân vị sẽ chỉ mang tính tương đối, không phải tuyệt đối.

PGS Dũng lấy ví dụ một thí sinh đạt bách phân vị 95% trong kỳ thi đánh giá năng lực (nghĩa là vượt qua 95% thí sinh trong kỳ thi đó) có thể được quy đổi sang điểm tương đương bách phân vị 95% của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này giả định rằng “top 5%” ở hai kỳ thi có giá trị tương đương về năng lực.

Nhưng thực tế, kỹ năng trong các kỳ thi được đánh giá khác nhau, nên có thể dẫn đến sai lệch. Một thí sinh giỏi tư duy logic (trong kỳ thi đánh giá năng lực) có thể không giỏi kiến thức cơ bản (trong kỳ thi tốt nghiệp THPT) và ngược lại.

“Bách phân vị là một bước tiến bộ để tăng tính công bằng tương đối trong xét tuyển đa phương thức, nhưng không phải giải pháp hoàn hảo nếu các kỳ thi quá dị biệt”, PGS Dũng nhấn mạnh.

Chung quan điểm với nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cán bộ tuyển sinh tại một trường đại học ở TP.HCM cũng nói rằng xét về kỹ thuật, việc quy đổi điểm có thể giảm bất công, nhưng nhìn chung cách quy đổi điểm giữa các kỳ thi vẫn chưa hợp lý vì bản chất của mỗi kỳ thi có sự khác nhau.

Cán bộ này lý giải rằng kỳ thi chung (thi tốt nghiệp THPT) và kỳ thi riêng (thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá chuyên biệt…) có mục đích khác nhau, bản chất của các kỳ thi cũng khác nhau. Nếu không có đáp ứng đủ yêu cầu về tập dữ liệu, việc quy đổi có thể sẽ không đảm bảo tính tuyệt đối.

Dù vậy, cán bộ này vẫn đánh giá công tác quy đổi theo bách phân vị trong năm 2025 là một bước tiến tốt. Ông dự đoán trong các năm tiếp theo, Bộ GD&ĐT cùng các trường đại học sẽ có thêm kinh nghiệm để cải tiến, triển khai tốt hơn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng nêu quan điểm tương tự. Ông nhận định bách phân vị không chỉ khả thi mà còn mang lại công bằng hơn trong bối cảnh hệ thống thi cử Việt Nam. Thực tế, phương pháp này đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia.

Ví dụ tại Mỹ, SAT sử dụng bách phân vị để các trường đại học như Đại học Harvard đánh giá thí sinh, giúp so sánh công bằng giữa các kỳ thi khác nhau. Còn tại Ấn Độ, kỳ thi JEE Main áp dụng bách phân vị để chuẩn hóa điểm giữa các ca thi, giảm thiểu yếu tố may rủi.

Tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã công bố bách phân vị cho 7 tổ hợp truyền thống A00, A01, B00, C00, C01, D01, D07 và khuyến nghị sử dụng vì nó phù hợp nhất để quy đổi điểm tương đương. PGS Dũng tin rằng dù một số thí sinh bối rối ban đầu, điều này có thể khắc phục qua hướng dẫn chứ không phải lý do để loại bỏ.

“So với hệ thống cũ chỉ dựa điểm tuyệt đối, bách phân vị giảm bất công khu vực và khuyến khích học đều các môn, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông nói.

Thị trường lao động thay đổi chóng mặt, để tồn tại, con người cần học tập suốt đời. Trong bối cảnh đó, tạp chí Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả cuốn Học tập suốt đời của tác giả Michelle R.Weise.

Tác phẩm cung cấp cho độc giả những đánh giá về thị trường lao động tương lai, những giải pháp cho nhu cầu vừa học vừa làm đang ngày một tăng, cùng với đó là đưa ra những cách kết nối để quá trình chuyển đổi “học-làm” diễn ra thuận lợi hơn. Từ đó, tác giả nêu lên vai trò của việc học tập suốt đời.