Sáng 10/6, các đại biểu Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Trước đó, ngày 2/6, trình bày tờ trình về Dự án CCCD, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Căn cước công dân năm 2014 là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại… Tuy nhiên, qua hơn 7 năm triển khai thi hành, luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
Vì vậy, cần thiết xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Thảo luận tại tổ sáng 10/6, Đại biểu Lê Hoài Trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đồng tình với chủ trương phải tạo điều kiện thuận lợi, quyền lợi của người gốc Việt sinh sống ở Việt Nam. Do đó, cần có quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Viêt đang sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, đồng thời có thêm thông tin để sau này khi đưa ra thi hành luật căn cước sẽ thuận lợi hơn.
“Số lượng người gốc Việt đang sinh sống Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch dù chỉ có vài người, phải chăng nên quy định những người đó nếu nhập quốc tịch của nước khác mà ta được biết, hoặc không được biết, không được thông báo thì hệ lụy cũng như cách xử lý, giải quyết thế nào? Bởi sẽ có vấn đề xảy ra tranh chấp về mặt pháp lý trong hoạt động kinh doanh vì đã từng xảy ra. Mặc dù luật của mình hiện nay không đề cập đến hai quốc tịch, nhưng đang tạo thuận lợi rất lớn cho người Việt Nam ở nước ngoài, khi làm quốc tịch nước ngoài không nhất thiết phải bỏ quốc tịch Việt Nam”, Đại biểu Lê Hoài Trung nêu quan điểm.
Cũng theo ý kiến của Đại biểu Lê Hoài Trung, một số bà con trong nhiều trường hợp không phải cố ý, nhưng khi đã xin nhập quốc tịch nước ngoài chưa chắc đã thông báo với Nhà nước Việt Nam rằng họ đã nhập quốc tịch nước ngoài. “Liệu có cần phải thu hồi lại thẻ căn cước Việt Nam của những trường hợp đó hay không cũng là vấn đề đặt ra. Cơ quan soạn thảo cần thêm thông tin, thêm giải pháp, chặt chẽ hơn về vấn đề này”, Đại biểu Lê Hoài Trung đề cập.
Tại các tổ thảo luận, nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến việc tích hợp thông tin cá nhân trên CCCD như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… nhưng băn khoăn về tính bảo mật của thông tin cá nhân. Bởi theo quy định của Hiến pháp hiện hành, các thông tin cá nhân, bí mật riêng tư của công dân phải được bảo vệ, không phải ai cũng được phép tiếp cận.
Theo ĐBQH Trần Đình Chung, Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng, cần cân nhắc việc tích hợp ADN của công dân trong cơ sở dữ liệu CCCD, bởi điều này liên quan đến bí mật của từng cá nhân, nên ban soạn thảo cần nghiên cứu chặt chẽ để đảm bảo tính bảo mật. Hơn nữa, vấn đề này còn liên quan đến kinh phí giải mã AND nên cần làm rõ cơ quan thực hiện hay cá nhân phải trả kinh phí để khi thực hiện theo quy định thống nhất.
“Về mặt công nghệ, thẻ CCCD gắn chip giúp bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Chip không có khả năng định vị công dân, chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gần với các thiết bị đầu đọc chip trong phạm vi 10 cm. Cùng với đó, công nghệ triển khai trên thẻ CCCD tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật thế giới và Việt Nam. Đảm bảo thẻ không bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ nếu công dân không tự xuất trình thẻ CCCD tiếp xúc với đầu đọc thẻ”, ông Chung lưu ý.
ĐBQH Trần Đình Chung cũng yêu cầu thêm, trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chip CCCD, mọi dữ liệu đều phải được mã hoá nhằm chống lại việc nghe lén, lấy trộm dữ liệu của công dân. Dữ liệu công dân trong chip phải khó có thể làm giả, thay đổi sau khi hoàn thành thẻ với các thuật toán, mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban cơ yếu Chính phủ và bảo mật quốc tế.
Không những thế, thẻ CCCD còn có chức năng đối sánh vân tay, khuôn mặt của công dân với vân tay và khuôn mặt lưu trong chip, cho phép xác định đảm bảo chính xác là chủ thẻ nên việc lấy trộm, sử dụng thẻ căn cước công dân vào mục đích bất hợp pháp không thể thực hiện.
“Với thẻ CCCD gắn chip, khi rút tiền tại ngân hàng, công dân phải quét vân tay trực tiếp để so sánh với vân tay lưu trữ trong thẻ CCCD, nếu vân tay trùng khớp mới rút được tiền. Có như vậy, người khác hoặc ngay cả nhân viên ngân hàng nếu có thẻ CCCD cũng không thể rút tiền”, ĐBQH Trần Đình Chung lấy ví dụ về tính bảo mật.