Sau vài tháng tìm hiểu về các phương pháp làm đẹp, Ngọc Huyền, ở Hà Nội, quyết định tiêm filler (chất làm đầy) để nâng cấp nhan sắc, giúp trẻ hóa và da căng bóng. Cô cho biết, vùng da mắt bị thâm quầng do thường xuyên thức khuya. Khi không trang điểm, làn da của Huyền trông sạm, hơi ngả vàng, không được căng bóng. Còn lúc trang điểm, lớp phấn thường bị bong tróc, "nhìn như bị mốc", mất thẩm mỹ.
Người phụ nữ tìm hiểu phương pháp tiêm meso, cấy phấn... song hiệu quả ngắn, chi phí cao. Còn filler có thể làm đầy các nếp nhăn, căng da má, cằm, môi, rãnh mũi chỉ với vài mũi tiêm. Thành phần chính là Hyaluronic axit (HA), có tác dụng giữ nước, tăng độ ẩm, cải thiện đàn hồi, căng bóng da, xóa nếp nhăn.
Tuy nhiên, sau ba ngày tiêm, Huyền bị sưng tấy mặt do ứ dịch, khó há miệng. Vùng cằm bị chảy ít dịch trắng, rát. Huyền có liên lạc lại spa, được giải thích đây là phản ứng thường gặp sau tiêm. Đến ngày thứ 5, cô nhập viện xử lý do nhiễm trùng, vùng da tiêm bị vón cục, đau nhức. Nữ nhân viên mua nhiều loại mỹ phẩm, collagen trên mạng để "cứu cánh". Song, làn da tiếp tục "xuống cấp" trầm trọng hơn, nhăn, đặc biệt là vùng hai má, mắt. Phần gò má xuất hiện nhiều tàn nhang, "trông già đi 10 tuổi".
Hiện, Huyền đến Bệnh viện Da liễu để điều trị, vừa xử lý vùng da bị chảy xệ, vừa điều trị tàn nhang.
Vài ngày sau tiêm filler làm đẹp vùng mũi ở một spa, người phụ nữ 42 tuổi cũng bị sưng nề, nóng đỏ, đau tức ở mặt. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị biến chứng sau tiêm chất làm đầy khiến da chảy xệ, tổn thương. Người bệnh không biết rõ chính xác tên sản phẩm tiêm vào người khiến điều trị thêm phần khó.
Bác sĩ Trần Thị Thúy Phượng, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết sau độ tuổi 25-30 tuổi, làn da có thể xuất hiện các dấu hiệu lão hóa da như khô mỏng hơn, nhiều nếp nhăn, các đốm tăng sắc tố hay da bị chùng nhão ở các vùng trên mặt. Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hơn ở lứa tuổi 18-20.
"Do đó, nhu cầu làm đẹp mong trẻ hóa da ngày càng tăng cao, đặc biệt là tiêm filler vì ít đau, hiệu quả tức thì", bác sĩ nói.
Nâng cấp nhan sắc qua phẫu thuật thẩm mỹ có thể mang lại kết quả nhanh chóng, tuy nhiên, cũng có thể dẫn đến sự lão hóa nhanh hơn so với bình thường. Một số người sau khi thực hiện các thủ thuật có thể gặp phải các yếu tố như sự thay đổi trong cấu trúc da hoặc căng thẳng tâm lý, dẫn đến việc trông già hơn so với tuổi thật.
Đặc biệt, lạm dụng mỹ phẩm hoặc các sản phẩm tiêm thẩm mỹ quá mức, không uy tín có thể gây lão hóa da sớm. Theo bác sĩ, nhiều mỹ phẩm chứa các chất làm trắng da nhanh hay làm giảm mụn nhanh như corticosteroid. Khi dùng lâu dài sẽ gây các biến chứng trên làn da, làm teo mỏng, giãn mạch máu, xuất hiện ngứa, dễ nổi đỏ và nổi mụn kéo dài. Tình trạng này làm làn da trở nên xấu xí và thiếu sức sống. Da khô yếu thường rất khó dung nạp với các sản phẩm chăm sóc nên càng lão hóa hơn, bít tắc, hạn chế quá trình tái tạo.
Các sản phẩm tiêm thẩm mỹ kém chất lượng, kỹ thuật tiêm không đúng có thể để lại các biến chứng trên da như dị ứng, kích ứng khiến bộ phận này trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, gây lão hóa sớm. Nhiều trường hợp biến chứng nổi các sẩn đỏ, vết thâm, thậm chí sẹo vĩnh viễn trên da.
Theo bác sĩ, chị em có thể làm chậm tình trạng lão hóa da với các phương pháp chuyên sâu, công nghệ cao như sử dụng laser, ánh sáng, sóng điện từ hay sóng siêu âm, tiêm trẻ hóa. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện tại cơ sở có uy tín và với các bác sĩ chuyên khoa tay nghề chuyên môn cao, được đào tạo bài bản.
Mọi người nên duy trì chế độ sinh hoạt và chế độ ăn lành mạnh. Ăn uống đầy đủ chất, tăng cường rau xanh, trái cây, rèn luyện sức khỏe vừa sức và giảm căng thẳng. Tuyệt đối không tự ý tiêm hay sử dụng mỹ phẩm tràn lan, gây hại cho da. Kỹ thuật này cần được thực hiện ại cơ sở thẩm mỹ có trang thiết bị y tế đảm bảo vô trùng. Chất làm đầy tiêm vào cơ thể phải được Bộ Y tế chứng nhận đạt chuẩn và cấp phép.
Thùy An