Cứu thai phụ sốt xuất huyết nặng bất ngờ chuyển dạ

Admin

Hà NộiChị My, 31 tuổi, mang thai tuần 37 mắc sốt xuất huyết, đang truyền tiểu cầu thì nổi ban toàn thân do phản vệ, điều trị đến ngày 7 bất ngờ chuyển dạ.

Thai phụ sốt cao, đau đầu, nhức mỏi người do sốt xuất huyết, phải truyền tiểu cầu liên tục. Ngày thứ 6 khởi phát sốt, tiểu cầu chỉ có 14G/l, trong khi dưới 50G/l nguy cơ chảy máu cao, buộc phải truyền tiểu cầu song đang truyền thì bị phản vệ, hôm sau có dấu hiệu sinh.

Ngày 18/9, ThS.BS Nguyễn Thị Thúy Hậu, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thai phụ bị sốt xuất huyết là tình trạng nguy hiểm. Chị My còn bất ngờ chuyển dạ trong giai đoạn nguy hiểm của bệnh (ngày thứ 7), tiểu cầu hạ. "Mổ sinh cấp cứu lúc này rất khó khăn vì mẹ có thể bị sốc sốt xuất huyết, đờ tử cung, băng huyết, tử vong do máu khó đông", bác sĩ Hậu nói.

Chị My tiểu cầu rất thấp kết hợp tiền sử dị ứng nhiều thuốc, không thể gây tê tủy sống như thông thường, buộc phải gây mê. Bác sĩ khoa Gây mê hồi hồi sức hội chẩn tìm phương pháp và liều thuốc phù hợp nhất theo cơ địa người bệnh, phối hợp đa chuyên khoa cùng sẵn sàng xử trí biến cố. "Phải đón bé chào đời nhanh nhất để tránh ảnh hưởng của thuốc mê, nhưng cần thận trọng cầm máu tối đa cho người mẹ", BS.CKI Nguyễn Hoàng Tùng, Trung tâm Sản Phụ khoa, nói thêm rằng ca mổ phức tạp và nguy hiểm.

Trước và trong khi mổ, bác sĩ bù dịch, hạ sốt, truyền tiểu cầu để giảm nguy cơ chảy máu cho người bệnh. Khi phẫu thuật, bác sĩ Tùng phát hiện bàng quang sản phụ treo cao, dính vào tử cung, việc gỡ dính sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Đoạn dưới tử cung đã giãn mỏng, bác sĩ tách dính sau đó lập tức cầm máu bằng dao điện.

Chưa hết nguy hiểm, người bệnh còn bị đờ tử cung trong mổ, nguy cơ chảy máu ồ ạt phải cắt tử cung. Êkíp xử trí tăng co tích cực phối hợp nhiều biện pháp, nhờ vậy cầm được máu, bảo tồn tử cung cho người bệnh. Bé trai nặng 3 kg chào đời, không sốt xuất huyết. Sản phụ được truyền thêm 500 ml máu, 5 đơn vị tiểu cầu trong và sau mổ, không cần nằm hồi sức tích cực. Một ngày sau, tiểu cầu người bệnh tăng, tình trạng ổn định, xuất viện sau đó ba ngày.

Con trai chị Ngô Thị My chào đời khỏe mạnh, nặng 3 kg. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Con trai chị Ngô Thị My chào đời khỏe mạnh, nặng 3 kg. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thúy Hậu cho biết sốt xuất huyết Dengue diễn ra trong ba giai đoạn gồm sốt, nguy hiểm và hồi phục giai đoạn nguy hiểm (từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7). Người bệnh thường có các triệu chứng nặng do tăng tính thấm thành mạch, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu. Với thai phụ, sốt xuất huyết Dengue làm tăng nguy cơ, thai lưu, sinh non hoặc sảy thai.

Trong 36 nghiên cứu liên quan đến 39.600 phụ nữ mang thai bị nhiễm đăng trên Thư viện trực tuyến Wiley Online Library năm 2022 cho thấy thai phụ bị sốt xuất huyết có nguy cơ cao mắc hội chứng sốc sốt xuất huyết (DSS). Tỷ lệ tử vong người mẹ tăng 3-4,14 lần, thai chết lưu là 2,71 lần và tử vong trẻ sơ sinh khoảng 3 lần.

BS Nguyễn Hoàng Tùng mổ lấy bé. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

BS Nguyễn Hoàng Tùng mổ lấy bé. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ khuyến cáo mọi người phòng bệnh, tiêm vaccine sốt xuất huyết, song vaccine này không chỉ định cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Theo bác sĩ Hậu, nên hoàn thành hai mũi tiêm phòng sốt xuất huyết vào ba tháng trước khi mang thai. Vaccine sốt xuất huyết đã được Bộ Y tế phê duyệt, song hiện chưa triển khai tiêm ở Việt Nam.

Thanh Ba

Độc giả gửi câu hỏi về mang thai, sinh con tại đây để bác sĩ giải đáp