Sáng 20/11, tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, anh Hùng, 35 tuổi chia sẻ hai vợ chồng kết hôn 3 năm, song chưa có con. Lý do, anh chưa quan hệ tình dục được với vợ lần nào. Khai thác tiền sử, bác sĩ phát hiện anh Hùng sức khỏe bình thường, song "nghiện" thủ dâm nhiều năm nay, dẫn đến rối loạn cương dương. Từ khi lấy vợ, nhu cầu tình dục của anh vẫn có, song chứng rối loạn khiến người đàn ông không thể quan hệ.
Rối loạn cương dương là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì sự cương dương đủ để giao hợp thỏa mãn. Tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản do không thể quan hệ tình dục như bình thường, thậm chí dẫn tới liệt dương, tăng nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn.
Không thể có con theo cách tự nhiên, vợ chồng anh Hùng được các bác sĩ hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI) là bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Người vợ được kích trứng, còn người chồng được lọc rửa tinh trùng, sau đó bơm vào buồng tử cung của vợ để thụ thai.
"Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ của người chồng bình thường, việc anh không thể có con tự nhiên do không thể quan hệ tình dục với vợ", bác sĩ Đỗ Thùy Hương, người khám cho cặp đôi này, nói. Bác sĩ khuyên người chồng sau khi làm thụ tinh nhân tạo, nên đi khám chuyên khoa nam học để điều trị chứng rối loạn cương dương để không ảnh hưởng tâm lý cũng như hạnh phúc gia đình.
Cũng đến khám hiếm muộn sau 7 năm kết hôn không có con, anh Mạnh, 39 tuổi được xét nghiệm kết quả không có tinh trùng do bất thường nhiễm sắc thể. Bệnh nhân có đủ các triệu chứng suy sinh dục như tinh hoàn teo nhỏ, không có tinh trùng trong tinh dịch, các hormone sinh dục như FSH, LH tăng cao; nồng độ testosterone thấp. Kết quả xét nghiệm sàng lọc di truyền xác định bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter.
Nam giới bình thường có 23 cặp NST, trong đó một cặp NST giới tính XY. Nam giới gặp hội chứng Klinefelter có hai nhiễm sắc thể X trong bộ NST (XXY). Bất thường này khiến tế bào mầm không tồn tại trong tinh hoàn, dẫn đến giảm sản xuất tinh trùng và vô sinh do không có tinh trùng. Với trường hợp này, các bác sĩ chỉ định vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn micro-TESE, song song chọc hút buồng trứng người vợ, để làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Đây là hai trường hợp phát hiện vô sinh nam trong hàng chục cặp vợ chồng đến khám, tư vấn trong ngày đầu tiên của chương trình khám miễn phí tại bệnh viện. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, cho biết vô sinh ảnh hưởng tới 17,5% dân số trong độ tuổi trưởng thành, tức là khoảng 1/6 dân số trên toàn thế giới. Trong đó có 40-50% trường hợp vô sinh do yếu tố nam giới. Nguyên nhân thường gặp gây vô sinh nam giới là chấn thương vùng kín, rối loạn cương, tắc ống dẫn tinh, giãn tĩnh mạch thừng tinh, suy tuyến sinh dục, bất thường nhiễm sắc thể...
Điều trị vô sinh ở nam giới phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Trường hợp vô sinh do không có tinh trùng có thể được can thiệp phẫu thuật tìm tinh binh để thụ tinh ống nghiệm (IVF) giúp sớm có con. Sau 10 năm hoạt động, nơi này đã hỗ trợ cho hàng nghìn gia đình, đón thành công khoảng 5.000 em bé chào đời. Bệnh viện đang triển khai chương trình khám hiếm muộn, siêu âm tử cung buồng trứng, xét nghiệm tinh dịch đồ miễn phí đến 19/12.
Lê Nga