"Cuộc cách mạng robot" trong hạ tầng

Admin

Ở nhiều quốc gia, robot đã thay thế con người ở nhiều vị trí như phục vụ bàn, chăm sóc người già và robot đi làm các nhiệm vụ hạ tầng nguy hiểm.

Robot thay thế con người ở những nhiệm vụ nguy hiểm

Ở nhiều quốc gia, robot đã thay thế con người ở nhiều vị trí như phục vụ bàn, chăm sóc người già và robot đi làm các nhiệm vụ hạ tầng nguy hiểm.

Những hạ tầng nguy hiểm từ địa hình trên cạn tới dưới nước, robot đều có thể hoạt động và mang lại hiệu quả mà nhiều khi con người cũng phải ngạc nhiên. Có những nơi mà giới hạn sinh học của con người không cho phép họ đặt chân đến, nay công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo đang giúp chúng ta có thể nhìn thấy qua đôi mắt của robot, thậm chí thu thập những bộ dữ liệu đáng quý về địa bàn, mà không cần rời khỏi văn phòng.

Các nhà nghiên cứu robot tại Đại học Stanford, Mỹ đang phát triển một phương pháp mới để khám phá đại dương trên thế giới: một robot hình người điều khiển từ xa. Điều đặc biệt là người dùng có thể "cảm nhận" những gì robot chạm vào thông qua một giao diện xúc giác.

Đó chính là OceanOneK, robot có khả năng lặn sâu tới 1.000 m, vượt trội so với khả năng của thợ lặn thông thường là lặn xuống độ sâu 60 m. Bảng thành tích của OceanOneK thật sự đáng nể, khi vào năm 2022, nó từng làm nhiệm vụ dưới Địa Trung Hải, khám phá nhiều xác tàu đắm, bao gồm một tàu ngầm từ chiến tranh thế giới thứ hai, và một tàu La Mã có niên đại từ năm 200.

Ông Oussama Khatib - Giám đốc trung tâm robot Stanford cho biết: "Vấn đề với hầu hết máy móc là không có khả năng tương tác. Nó không có tay. Nhưng robot của chúng tôi thì có. Nhờ đôi tay nhẹ nhàng của nó, chúng tôi có thể lấy mẫu cho các nhà sinh vật biển ở độ sâu mà không con người nào có thể đến được và không cỗ máy nào hiện nay có thể tiếp cận. Chúng tôi cũng có thể thu hồi kho báu từ những xác tàu đắm từ 2.000 năm trước, như những chiếc đèn dầu tuyệt đẹp hay những chiếc cốc xinh xắn mà không làm vỡ chúng, giữ nguyên vẹn từng món, đến các nhà khảo cổ học cũng kinh ngạc".

Nếu OceanOneK có thể hoạt động linh hoạt dưới nước thì robot của công ty công nghệ Gecko lại có thể hoạt động hiệu quả trên cạn với kỹ năng leo trèo của một chú thằn lằn - đúng như tên gọi của nó. Nhiệm vụ của nó là thu thập và phân tích dữ liệu về cơ sở hạ tầng với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI.

Ông Jake Loosararian - Giám đốc điều hành công ty Gecko Robotics chia sẻ: "Một kỹ sư cảng có thể chỉ cần ngồi tại bàn làm việc và đưa ra tất cả các quyết định bằng cách sử dụng robot AI và các tập dữ liệu mà trước đây anh ta chưa từng có – một cách an toàn hơn, nhanh hơn, mà chất lượng lại cao hơn.

Ông Loosararian thành lập công ty vì một người quen của ông đã ngã và tử vong khi thu thập dữ liệu về tình trạng vật lý trong một nhà máy điện, trong lúc treo mình trên dây. Ông hy vọng robot sẽ ngăn chặn những sự cố như vậy xảy ra trong tương lai. Và đó cũng chính là mục tiêu mà các kỹ sư hướng tới: tạo ra những robot có thể thay con người đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm.

"Cuộc cách mạng robot" trong hạ tầng- Ảnh 1.

Robot thay thế con người ở những nhiệm vụ nguy hiểm

Tiềm năng thị trường robot hạ tầng

Không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới trong khoa học, trong xây dựng, mà đây còn là một thị trường tiềm năng. Trên toàn thế giới, thị trường robot hạ tầng - dịch vụ được định giá khoảng 22,4 tỷ USD năm 2024, dự báo sẽ tăng lên hơn 90 tỷ USD trong vòng 5-7 năm tới.

Thị trường trí tuệ nhân tạo AI trong robot chỉ riêng phần AI cũng dự kiến vươn lên hơn 140 tỷ USD vào năm 2033.

Tại Mỹ, Chính phủ đã thông qua các chương trình như đầu tư vào hạ tầng - với tổng trị giá USD 1,2 nghìn tỷ, trong đó có dòng đầu tư cho robot hạ tầng và tự động hóa tại các công trình công cộng, bao gồm năng lượng, cầu, đường cao tốc, thu gom rác…

Chính phủ Anh đang triển khai thí điểm chiến lược phát triển - ứng dụng robot tự động trong kiểm tra tuabin gió, sửa chữa cáp ngầm và bảo trì hạ tầng dân sự, đi kèm các khoản hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Trung Quốc đầu tư mạnh cho robot hạ tầng và dịch vụ

Nói tới cuộc đua về robot về trí tuệ nhân tạo, không thể không nói tới Trung Quốc. Quốc gia này đang là đối thủ rất mạnh trong mảng robot và trí tuệ nhân tạo. Theo Business Insider, chỉ trong ba năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã đổ hơn 10 tỷ USD vào phát triển nền tảng robot (chủ yếu là robot công nghiệp và robot hình người hay còn gọi là humanoids), nhằm phát triển nhanh chuỗi cung ứng và khung luật cho robot trong hạ tầng lớn.

Các loại robot chuyên dụng đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong việc kiểm tra và bảo trì hạ tầng ở Trung Quốc. Có thể kể đến mẫu robot 4 chân X30 của Deep Robotics - được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như điện lực, khai khoáng hay đo đạc kiến trúc nhờ vào khả năng điều hướng tự động và có thể làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt. Robot này cũng đã được triển khai từ cuối năm ngoái để tuần tra đường hầm điện ngầm ở Singapore.

Một ví dụ khác là robot của hãng SROD, có khả năng cắt chính xác các vật thể gây tắc đường ống thoát nước nhờ sử dụng cảm biến có độ chính xác cao và hệ thống điều khiển thông minh, qua đó giúp cho đường ống có thể hoạt động bình thường và không bị hư hại sau khi sửa chữa.

Trong khi đó, các giải pháp song sinh kỹ thuật số cũng đang được triển khai rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, bảo tồn di sản hay quản lý hồ đập. Đơn cử như gói giải pháp của công ty Đức Lâm Hải, kết hợp giữa hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao, ảnh chụp từ máy bay không người lái với dữ liệu từ tàu lấy mẫu để tiến hành giám sát chất lượng nước trong các hồ chứa theo thời gian thực.

Robot chuyên dụng phục vụ cho các nhiệm vụ cụ thể là một trong những hướng đầu tư trọng điểm của Trung Quốc và đã nhận được sự hỗ trợ về chính sách, cũng như nguồn vốn ở cả cấp quốc gia và địa phương. Ngay từ "Quy hoạch phát triển công nghiệp robot 2016-2020", robot chuyên dụng đã được liệt kê là hướng phát triển then chốt, nhấn mạnh giá trị ứng dụng của chúng trong các tình huống như an toàn công cộng, cứu nạn cứu hộ và các công việc nguy hiểm. Trong khi đó, Chương trình hành động "Robot+" ban hành năm 2023 cũng nhấn mạnh yêu cầu mở rộng ứng dụng robot vào sản xuất công nghiệp, y tế hay giáo dục để tạo động lực phát triển chất lượng cao.

Ở cấp độ doanh nghiệp, robot chuyên dụng cũng thu hút nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư phát triển nhờ khả năng ứng dụng không thể thay thế trong các lĩnh vực như tuần tra điện lực, cứu hộ cứu nạn, thăm dò mỏ… Và dù không nổi bật như robot hình người, song robot chuyên dụng phục vụ cho các nhiệm vụ vẫn được xem là một xu hướng trọng tâm của nhiều doanh nghiệp, bởi chúng mang lại giải pháp đáp ứng trực tiếp cho các nhu cầu trong thực tế… Trong khi các dự án robot hình người cho đến nay vẫn còn đối mặt với rất nhiều thách thức, từ công nghệ cho đến chi phí, trước khi có thể thực sự ứng dụng rộng rãi.

Khi trí tuệ nhân tạo kết hợp với robot chuyên dụng, có lẽ chúng ta không chỉ nói về công cụ làm việc, mà đang chứng kiến sự xuất hiện của những "đồng nghiệp máy" đầu tiên trong ngành hạ tầng hiện đại.