Vợ chồng tôi thời gian trước bận lịch công tác, vắng nhà thường xuyên nên quyết định gửi con trai tiểu học về quê ở với ông bà nội. Tính đến nay thằng bé cũng ở ngót nghét 1 tháng rồi, phần vì nhớ con phần vì công việc đã được sắp xếp ổn thoả nên tôi quyết định đón con về lại phố.
Được biết khoảng thời gian ở với ông bà, con trai tôi dường như rất thích. Tôi cũng đoán được ông bà thương cháu nên sẽ chiều cháu hơn bố mẹ. Trẻ con mà, đứa nào được cưng mà chẳng mê, ai thương nó thì nó sẽ thương lại thôi. Thậm chí khi hay tin mẹ sẽ đón về, thằng bé còn tỏ ra không vui, không muốn xa ông bà.
Ảnh minh hoạ
Thấy ông bà và cháu hoà hợp, gần gũi tôi hạnh phúc lắm. Ngày về quê còn mua rất nhiều quà cáp biếu bố mẹ chồng, xem như là lời cảm ơn ông bà đã giúp chăm cháu suốt 1 tháng hè vừa qua để vợ chồng tôi yên tâm làm việc. Háo hức gặp con sao bao ngày xa cách, trong tưởng tượng và mong đợi của tôi, ở với ông bà được cưng chiều sướng như thế thì chắc thằng bé cũng "béo tốt" lắm.
Và quả thực là tôi đã đoán không sai, con lên hẳn 3 ký so với thời điểm trước đây. Tuy nhiên làn da có vẻ sạm đen hơn, nhưng tôi cũng không để ý điều đó lắm vì đứa trẻ là con trai mà, nghịch ngợm dang nắng tí cho cứng cáp ra có khi lại là chuyện tốt. Thế nhưng không dừng lại ở đó, một vấn đề còn kinh khủng hơn là con trai bỗng dưng không nói được khiến tôi tá hoả.
Xảy ra chuyện lớn vậy mà ông bà giấu tôi 2,3 ngày nay. Đến hôm nay về đón con, tôi mới bàng hoàng biết được sự thật. Và khi mở tủ lạnh nhà bố mẹ chồng, tôi tái mặt phát hiện nguyên nhân khiến cho con trai rơi vào tình trạng này, không đâu khác chính là hàng đống nước ngọt mát lạnh, và một tủ đá đầy kem đông cứng.
Hoá ra, suốt thời gian qua ông bà nội đã nuôi cháu như thế này, cho thằng bé ăn đồ ăn vặt mà còn là đồ lạnh một cách vô tội vạ. Đó là lý do mà đứa trẻ bị bệnh viêm họng đến mất cả tiếng. Tôi thực sự không hiểu nổi vì sao bố mẹ chồng lại có thể cưng chiều cháu trai đến mức như vậy. Rõ ràng là người lớn từng trải, ông bà phải là người hiểu rõ nhất tác hại của việc này.
Ảnh minh hoạ
Chuyện xảy ra khiến tôi giận bố mẹ chồng lắm, nhưng cũng không dám nói gì vì chính tôi cũng là người có lỗi khi gửi ông bà chăm cháu mà không theo dõi sát sao. Giờ chuyện cũng lỡ rồi, tôi đưa con về lại phố để đi bệnh viện khám và chữa trị sớm. Sau lần này chắc tôi không dám gửi con cho ông bà một cách vô trách nhiệm như thế nữa.
Tôi hy vọng khi mình chia sẻ câu chuyện của bản thân, các bậc phụ huynh khác cũng sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm. Tôi biết xu thế gửi con cho ông bà chăm dịp hè rất phổ biến, nhưng dù có thế nào thì cũng đừng lơ là hay phó thác hoàn toàn cho người già, bởi họ không phải mình nên đôi khi sẽ nuôi dạy con không theo đúng ý mình, rồi chẳng may dẫn đến những tình huống tiêu cực, đến lúc đó con đau bố mẹ là người xót nhất, có trách thì cũng chả trách ai được ngoài chính bản thân bố mẹ cả...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Thế nào là viêm họng mất tiếng?
Viêm họng mất tiếng, còn được gọi là viêm thanh quản, là một tình trạng viêm ở vùng thanh quản gây ra sự thay đổi trong chức năng phát âm và nói chuyện của người bệnh.
Một số đặc điểm của viêm họng mất tiếng bao gồm:
- Giọng nói trở nên khàn, khó phát âm và yếu dần.
- Người bệnh khó phát ra các âm cao và phát âm trở nên nặng nề.
- Giọng nói có thể hoàn toàn bị mất, người bệnh chỉ có thể giao tiếp bằng lời thì thào.
- Người bệnh có thể cảm thấy đau, khó nuốt và có tiếng ợ.
- Thông thường, không có sốt hoặc các triệu chứng nhiễm trùng khác.
Trẻ ăn uống quá nhiều đồ lạnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm họng.
Đồ lạnh khi tiếp xúc với họng và thanh quản sẽ gây co thắt, kích thích niêm mạc và làm trầm trọng thêm tình trạng viêm. Điều này dẫn đến các triệu chứng như đau họng, khó nuốt, khàn tiếng.
Ngoài ra, ăn uống quá nhiều đồ lạnh liên tục cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể trẻ. Hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn, virus gây viêm họng. Đồng thời, đồ lạnh cũng có thể kích thích tuyến nước bọt tiết ra quá nhiều dịch. Dịch tiết quá nhiều sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển, dẫn đến viêm họng.
Vì vậy, việc hạn chế cho trẻ ăn uống quá nhiều đồ lạnh là rất quan trọng để phòng tránh và điều trị viêm họng ở trẻ. Bố mẹ cần lưu ý cung cấp cho trẻ thức ăn, nước uống ở nhiệt độ vừa phải.
Ngoài ra, thói quen ăn uống đồ lạnh còn tác động xấu đến trẻ ở những vấn đề khác:
- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: Đồ lạnh có thể gây co thắt, kích ứng đường tiêu hóa, làm giảm tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Điều này dẫn đến tình trạng tiêu chảy, táo bón, đau bụng ở trẻ.
- Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch: Ăn uống đồ lạnh liên tục có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ. Hệ miễn dịch suy giảm sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, dễ bị cảm lạnh, cảm cúm.
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Đồ lạnh có thể kích thích các dây thần kinh, gây hiện tượng đau nhức, co giật. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do hệ thần kinh chưa hoàn thiện.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển: Việc ăn uống không đủ nhiệt lượng, chất dinh dưỡng do ảnh hưởng của đồ lạnh có thể gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ.