Cô gái ngất xỉu hơn 1.000 lần do bệnh tim hiếm gặp

Admin

MỹKarina Drury, 21 tuổi, ngất xỉu khoảng 1.000 lần do hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng hiếm gặp.

Khi còn nhỏ, Drury luôn cảm thấy cuộc sống của mình là một bí ẩn y học. Cô luôn ngất xỉu không rõ lý do, ngay cả khi cơ thể không mệt mỏi hay quá sức. Thời niên thiếu, cô làm vô số xét nghiệm máu, đánh giá tim, tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ tim mạch, thần kinh và chuyên gia động kinh để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, các nguyên nhân như chứng ngủ rũ, động kinh và ngất do tâm lý đều bị loại bỏ.

Năm 2019, ở tuổi 16, Drury được chẩn đoán mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS). Theo Cleveland Clinic, POTS là một tình trạng mạn tính khiến nhịp tim tăng bất thường khi đổi tư thế, dẫn đến các cơn ngất kéo dài 10 giây. Các biểu hiện của Drury khi chuẩn bị lịm đi là lâng lâng, mất thính giác, thị lực, tầm nhìn thu hẹp. Cô cảm thấy trương lực cơ giảm dần, không còn điểm tựa.

"Quá trình này diễn ra chậm đối với tôi, cảm thấy yếu ớt toàn thân. Giờ tôi đã hiểu rõ cơ thể mình đến mức có thể cảm nhận được các cơn ngất mà không cần phải suy nghĩ, chỉ biết là mình sắp ngất", cô nói thêm.

5 năm qua, Drury chia sẻ kinh nghiệm sống chung với POTS trên TikTok với hơn một triệu người theo dõi. Trong một video đăng tải hồi tháng 8, đạt 9 triệu lượt xem, Drury quay cảnh mình đang ngồi một mình trong quán cà phê, sau đó ngất xỉu. Biết trước cơn ngất sắp xảy ra, cô viết một ghi chú trên mảnh giấy để thông báo cho những người xung quanh rằng cô vẫn ổn. Video nhận được nhiều lượt bình luận của những người gặp tình trạng tương tự.

Một người dùng cho biết: "Tôi rất xấu hổ khi ngất xỉu ở nơi công cộng, ý tưởng viết ghi chú thật tuyệt vời, cảm ơn bạn!". Một người khác nói: "Tôi bị POTS nên cũng hay ngất xỉu. Phần đáng sợ nhất là phải đảm bảo mọi người không gọi xe cấp cứu".

Karina Drury, 21 tuổi, mắc hội chứng POTS. Ảnh: Karina Drury

Karina Drury, 21 tuổi, mắc hội chứng POTS. Ảnh: Karina Drury

Khi còn học cấp 3, nhiều giáo viên và bạn bè đã hoảng loạn, cố gắng hỗ trợ khi thấy Drury ngất đi, bởi lúc này cô chưa được chẩn đoán bệnh. Vào đại học, Drury đã học được cách thích nghi và tự bảo vệ mình. Nếu cô ngất xỉu trước mặt bạn bè hoặc chồng, họ vẫn rất bình tĩnh, điều này khiến mọi chuyện bớt nghiêm trọng.

Khi tỉnh dậy, cơ thể Drury sẽ rất yếu. Cô cố gắng uống thuốc và các chất điện giải để lấy lại sức. Cô cũng lắng nghe cơ thể, xác định xem bản thân có nên dừng các việc đang làm để nghỉ ngơi hay không.

Hiện, POTS không có cách điều trị. Drury kiểm soát triệu chứng bằng cách uống midodrine và muối điện giải. Ngoài ra, cô tập các bài kháng lực theo khuyến nghị của bác sĩ, tránh bài tập cardio.

"Tôi rất cởi mở về tình trạng của mình vì đã mắc bệnh từ khi còn học tiểu học, luôn hòa đồng và sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của mọi người", Drury nói.

Khi làm việc tại nơi công cộng, cô thường thêm vài dòng giải thích tình trạng của bản thân trên màn hình máy tính, giúp mọi người bình tĩnh hơn khi muốn hỗ trợ. Các bác sĩ vẫn chưa biết căn nguyên bệnh của Drury, họ gọi POTS và các tình trạng tương tự là "bệnh vô hình".

Thục Linh (Theo People)