Có cần phẫu thuật nang ống mật chủ?

Admin

Tôi hay bị rối loạn tiêu hóa, đau vùng sườn bụng, da vàng, nước tiểu sẫm màu, bác sĩ chẩn đoán bị nang ống mật chủ, cần theo dõi.

Bệnh này do đâu, khi nào phải phẫu thuật? (Xuân Hòa, tỉnh Đồng Nai)

Trả lời:

Nang ống mật chủ là tình trạng giãn bất thường của đường mật khu trú tại một hoặc nhiều vị trí ở đường mật trong hoặc ngoài gan. Nang ống mật chủ chiếm 1% các bệnh lành tính của đường mật. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới hơn nam giới. Nang ống mật chủ phổ biến ở trẻ em, nhưng gần đây tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh có xu hướng tăng.

Nguyên nhân dẫn đến nang ống mật chủ chưa được xác định. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, gồm yếu tố di truyền, môi trường, tắc nghẽn bẩm sinh ở đoạn cuối ống mật chủ. Những yếu tố này khiến mật ứ đọng, ống mật chủ giãn rộng bất thường và hình thành nang. Nang gây cản trở lưu thông dịch mật, ảnh hưởng đến chức năng gan, tăng nguy cơ biến chứng.

Hai giả thuyết khác đưa ra để giải thích cho quá trình hình thành nang ống mật chủ. Một là thuyết kênh chung mật tụy - kênh chung mật tụy dài bất thường gây trào ngược dịch tụy vào đường mật dẫn đến viêm và suy yếu thành đường mật. Hai là thuyết bất sản thần kinh tại đoạn cuối ống mật chủ gây ra tình trạng tắc nghẽn tại đoạn cuối ống mật chủ và dãn ống mật chủ trên dòng. Tình trạng này tương tự bệnh Hirschsprung là dị tật bẩm sinh trong đó thiếu các tế bào thần kinh ở phần cuối ruột của trẻ và Achalasia (co thắt tâm vị).

Nang ống mật chủ ở trẻ em thường có ba biểu hiện điển hình là vàng da, u dưới sườn phải và đau bụng. Triệu chứng bệnh ở người trưởng thành gồm u dưới sườn phải có thể sờ được nhưng ít gặp, sỏi và viêm đường mật dẫn đến sốt, lạnh run, vàng da, đau bụng, viêm tụy cấp, xơ gan, nôn ra máu hay tiêu phân đen. Trường hợp bệnh biến chứng gây vỡ hoặc giãn tĩnh mạch thực quản, ung thư đường mật, khiến người bệnh sụt cân, chán ăn...

Để chẩn đoán nang ống mật chủ, bác sĩ thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng tắc mật, chức năng gan và tình trạng nhiễm trùng. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT, MRI, giúp chẩn đoán loại nang ống mật chủ và biến chứng của nang. Bác sĩ thường chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) để chẩn đoán chính xác bệnh, biến chứng của nang ống mật chủ, phân loại nang và mối liên quan giữa nang với các cơ quan xung quanh.

Qua hình ảnh cộng hưởng từ, bác sĩ có thể phân loại nang thuộc loại nào, có gây biến chứng hay không. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có hướng điều trị cụ thể. Nang mật chủ được chia thành 5 loại là 1, 2, 3, 4A, 4B và 5. Các nghiên cứu cho thấy loại 1 và 4A là hai loại có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư.

Bác sĩ Công Khánh khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Công Khánh khám cho một bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Với tình trạng của bạn, bác sĩ cần làm các xét nghiệm để đánh giá mức độ tắc mật, kiểm tra có hay không tình trạng nhiễm trùng do nang mật chủ. Nếu chưa có chỉ định mổ, bạn nên tuân theo lịch hẹn tái khám, theo dõi sức khỏe định kỳ để được điều trị kịp thời nếu bệnh có dấu hiệu trở nặng.

Bác sĩ đưa ra quyết định phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và nguy cơ tiến triển thành ung thư của nang mật chủ. Hiện, phương pháp phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm so với phương pháp mổ mở trước đây, ít xâm lấn, ít đau đớn, rút ngắn thời gian hồi phục và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp