Thời gian gần đây, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, muốn lấy lại tiền đã bị lừa đảo qua mạng, nhiều người dân tiếp tục trở thành nạn nhân của chiêu trò “lừa đảo lấy lại tiền lừa đảo”. Đáng chú ý, các đối tượng còn lợi dụng thiết lập nhiều trang web, trang thông tin, trang mạng xã hội giả mạo các đơn vị, cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo “lấy lại tiền bị lừa”
Mới đây, Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông tạm giữ hình sự 6 đối tượng đều sinh năm 2006, trú tại thành phố Gia Nghĩa để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, nhóm đối tượng này theo dõi các phiên live trực tiếp của các trang Facebook có nội dung lừa đảo rồi tìm cách liên hệ với người bị hại và nhắn tin cho những người này thông báo họ đã bị lừa. Đánh vào tâm lý nạn nhân mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng thông báo với nạn nhân mình cũng từng bị lừa như vậy nhưng đã nhờ người lấy lại được tiền, nếu người bị hại đồng ý sẽ hướng dẫn cách lấy lại số tiền đã bị mất.
Bằng thủ đoạn trên, nhiều bị hại tiếp tục bị mất tiền khi làm theo các bước hướng dẫn của nhóm đối tượng trên. Sau đó chúng chặn mọi liên lạc và xóa các tài khoản mạng xã hội, tạo các tài khoản mới để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người khác.
Bước đầu, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa xác định, với thủ đoạn trên, từ tháng 3/2024 đến ngày 25/7/2024 các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt số tiền trên 720 triệu đồng của 135 bị hại trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Số tiền kiếm được các đối tượng sử dụng vào việc ăn chơi, du lịch...
Đây không phải lần đầu tiên vụ việc này xảy ra, trước thực trạng trên, mới đây Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, một người phụ nữ ở Thanh Hoá sau khi bị lừa đảo do tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng, đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản tiền “phí dịch vụ” và bị chiếm đoạt thêm một lần nữa.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin, đối với hình thức lừa đảo “lấy lại tiền bị lừa” đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời.
Bởi, chỉ với từ khóa "lấy lại tiền lừa đảo", người sử dụng mạng xã hội Facebook có thể tiếp cận với hàng trăm hội nhóm na ná nhau, trong đó có nhiều hội nhóm lên tới hàng trăm ngàn thành viên, như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"…
Theo thống kê ở các vụ lừa đảo kép, nạn nhân không biết rằng, các tài khoản tự xưng là hỗ trợ lấy lại tiền cũng chính là tài khoản lừa đảo ban đầu. Đặc biệt từ tháng 5/2024 đến nay, 60% bị hại của các vụ lừa đảo qua mạng lại bị lừa thêm một lần nữa.
Trước thực trạng này, Thiếu tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phân tích, thủ đoạn lấy lại tiền bị lừa là một chiêu trò rất tinh vi, đánh vào tâm lý của những nạn nhân đã từng bị lừa bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, các đối tượng dẫn dụ, lừa đảo họ thêm một lần nữa. Hình thức này, đang diễn biến hết sức phức tạp.
Qua quá trình đấu tranh, Thiếu tá Phí Văn Thanh cho biết, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thường thấy 3 thủ đoạn như sau:
Thủ đoạn thứ nhất, đối tượng lừa đảo thường tạo hội nhóm lớn trên Facebook với tên gọi hấp dẫn như: Thu hồi tiền lừa đảo, hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa.
Thủ đoạn thứ hai, các đối tượng đóng vai trò là các luật sư, nhân viên ngân hàng, hay các kỹ sư công nghệ thông tin cung cấp các dịch vụ để lấy lại tiền bị lừa nhằm tạo sự tin tưởng cho nạn nhân.
Thủ đoạn thứ 3, đối tượng lừa đảo thường tạo ra các trang web giả mạo các cơ quan tổ chức. Ví như Bộ Công an, hay Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Từ đó, tăng uy tín cho bản thân, tạo được sự tin tưởng từ các nạn nhân.
Những kẻ lừa đảo thường gây áp lực, buộc người dân phải cung cấp thông tin
Đáng chú ý, một số đối tượng còn sử dụng các tính năng chạy quảng cáo của các nhà cung cấp dịch vụ. Qua các bài viết, video đăng tải thu hút được nhiều lượt like, view. Thậm chí có rất nhiều lượt tương tác. Qua đó, tạo được sự xuất hiện, cũng như tần suất xuất hiện dầy đặc trên mạng xã hội.
“Lợi dụng tâm lý của các nạn nhân khi bị mất tiền thường lên các trang mạng xã hội để than vãn, nhận được lời hỏi thăm, cũng như tìm kiếm các lời khuyên nhằm lấy lại được tiền mình đã bị lừa trên mạng xã hội. Qua đó, các đối tượng tích cực khai thác các cảm xúc tuyệt vọng của nạn nhân. Từ đó, sẵn sàng nắm bắt tất cả các cơ hội, dù có thể mong manh lấy lại được tiền. Bằng cách, chúng xuất hiện đúng lúc với vai trò là người cứu trợ, tỏ ra rất hiểu và đồng cảm với nạn nhân. Bọn chúng chia sẻ những câu chuyện của những người khác đã từng bị lừa, và đã lấy lại được tiền thành công, tạo ra môi trường ủng hộ và thuyết phục nạn nhân là “mình không phải là người duy nhất, đang tin tưởng vào quá trình đòi nợ này”- Thiếu tá Thanh phân tích.
Cùng với đó, Thiếu tá Thanh cho rằng, nhóm đối tượng lừa đảo còn sử sụng các thuật ngữ chuyên môn, đăng tải những bài viết, hoặc những câu chuyện thành công trên mạng xã hội làm cho nạn nhân tin tưởng rằng họ đang làm việc với những tổ chức có uy tín. Song song với đó, các đối tượng tạo ra các kịch bản giả lập rằng, ban đầu các đối tượng lừa đảo đang đồng ý trả lại tiền, nhưng cần có thêm ít chi phí để xử lý, hoặc là giao dịch để hoàn tất. Với những kịch bản thế này, khiến nạn nhân tin tưởng rằng, họ đang rất gần với việc lấy lại tiền và chỉ cần thêm một chút chi phí nữa là họ có thể hoàn thành quá trình
Theo Thiếu tá Thanh, những trang web của Bộ Công an, hoặc các trang web chính thức của cơ quan nhà nước thường có tên miền .gov.vn. Các trang web có tên miền khác như .com, hay .org nhưng không rõ nguồn gốc cần đặc biệt chú ý. Vì, các trang giả mạo thường đăng tải thông tin không rõ ràng, không có căn cứ pháp lý hoặc chứa các liên kết đến các trang không đáng tin cậy. Thậm chí có những trang yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng, số CCCD, hoặc mã OTP.
Qua đây, Thiếu tá Thanh lưu ý: Các bộ, cơ quan nhà nước, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, các đơn vị hành chính nào đó không gọi điện để điều tra qua điện thoại, không yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hay đóng tiền qua điện thoại.
“Những kẻ lừa đảo, thường gây áp lực, buộc người dân phải cung cấp thông tin, hoặc chuyển tiền ngay lập tức. Bọn chúng cũng không quên đe doạ, nếu không làm ngay sẽ bị bắt giam hoặc gặp phải những vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Người dân phải hiểu được những nguồn thông tin chính thức, Bộ công an, hoặc an ninh mạng đã có những trang mạng xã hội chính thức được xác nhận bằng dấu tích xanh. Qua đó, người dân có thể tin tưởng để tìm những nguồn thông tin chính thức đó để theo dõi”- Thiếu tá Thanh phân tích.
Thiếu tá Thanh đưa ra lời khuyên, thứ nhất, người dân cần phải kiểm tra kỹ lưỡng các địa chỉ trang web, hoặc địa chỉ trang mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin như số tài khoản ngân hàng, số CCCD, mã OTP qua tài khoản, qua tin nhắn, qua email. Khi nhận được bất kỳ yêu cầu nào liên quan đến tiền bạc, thông tin cá nhân thì phải liên hệ trực tiếp cơ quan công an.
Trong trường hợp người dân bị đe doạ hoặc yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cần phải cẩn trọng, từ chối ngay lập tức. Người dân không chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp từ nguồn không chính thức.
Về phía Bộ Công an, Cục an ninh mạng, Thiếu tá Thanh cho hay, cơ quan chức năng đang theo dõi tích cực, giám sát các hoạt động tội phạm trên các nền tảng mạng xã hội, các nhóm lừa đảo sẽ bị nhận diện và đưa vào trong danh sách điều tra.
Về vấn đề này, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu khẳng định, không có dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Hãy ngay lập tức báo sự việc cho cơ quan chức năng, như cảnh sát hoặc ngân hàng, để họ tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ khi bạn bị lừa đảo mạng.
Hãy luôn cảnh giác vì tội phạm gần đây giả danh sự uy tín của công ty, doanh nghiệp, luật sư, kiểm sát viên hoặc chuyên gia an ninh mạng - Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân. Để dẫn dụ nạn nhân của các vụ lừa đảo mạng, về việc lấy lại tiền khi đã bị lừa với một khoản phần trăm so với số tiền đã bị lừa đảo, ví dụ bị lừa 100 triệu thì cần phải gửi 20% của số tiền, tức là 20 triệu, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin và bị lừa tiếp lần hai. Sau khi chuyển tiền xong là khoá chặn liên lạc với nạn nhân.
Chuyên gia Hiếu lưu ý, người dân phải luôn luôn giữ cảnh giác và không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của bạn và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân. Ngoài ra, tham khảo trang web dauhieuluadao.com để có thể cập nhật kiến thức về 3 bước phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng. Luôn luôn chậm lại và kiểm chứng mọi thứ trên không gian mạng là một điều hết sức cần thiết.
Cơ quan chức năng cũng đang có 1 số kênh để cảnh báo như canhbao.ncsc.gov.vn và tinnhiemmang.vn để người dân có thể cập nhật kiến thức, và kiểm tra những đường link giả mạo, độc hại, lừa đảo.