Chủ tịch Atlantic Group: Đóng góp giá trị cho cộng đồng từ thực hiện 'sứ mệnh' giáo dục

Admin

(Chinhphu.vn) - Khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục từ năm 2003, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục và đào tạo quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic Group) Nguyễn Thị Ngọc Lan hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, đào tạo tiếng Anh và phần mềm, đã tập hợp được những con người có tâm, triển khai nhiều dự án nhân văn thiết thực, với mong muốn mang tới những con đường thuận lợi và rộng mở hơn cho những người trẻ Việt Nam.

Chủ tịch Atlantic Group: Đóng góp giá trị cho cộng đồng từ thực hiện

Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục và đào tạo quốc tế Đại Tây Dương Nguyễn Thị Ngọc Lan

Tự nhận mình là thế hệ GenX khởi nghiệp theo kiểu nguyên sơ, bản năng và không được thị trường ưu đãi, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan bắt đầu hành trình chỉ với một căn phòng 20 m2, 3 nhân sự, cùng một chiếc máy tính. Chị đã phải tự đi, tự mò đường, tự rút ra bài học sau những lần vấp ngã. 

Không chỉ dừng lại ở công việc làm cầu nối, giúp đỡ các em học sinh được tiếp cận và đào tạo với nhiều nền giáo dục đa dạng và phong phú trên thế giới, Chủ tịch Atlantic Group còn là một trong những người tiên phong trong việc trang bị bộ kỹ năng cần thiết cho các du học sinh Việt Nam, giúp họ tự tin và nhanh chóng hòa nhập trước khi chính thức bước vào một môi trường học tập mới với nhiều thử thách.

Chị Ngọc Lan đã tập hợp được những con người có tâm, muốn có những đóng góp giá trị cho cộng đồng, triển khai nhiều dự án nhân văn thiết thực với quan điểm giáo viên tốt mới tạo được học trò tốt. Người phụ nữ này luôn mong muốn mang tới những con đường thuận lợi và rộng mở hơn cho những người trẻ Việt.

Báo Điện tử Chính phủ đã có bài phỏng vấn Chủ tịch Atlantic Group về hành trình tìm đường "cất cánh" và thực hiện sứ mệnh giáo dục.

Biến hạn chế thành ưu thế

Cơ duyên nào khiến chị quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, để từ đó tạo dựng được thành công như ngày hôm nay?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan: Tôi luôn nghĩ mỗi ngày chúng ta cần phải tốt hơn, hoàn thiện hơn. Tôi là một người khởi nghiệp về du học, nhưng lại chưa từng là du học sinh. Khởi nghiệp về ngoại ngữ, nhưng tôi là một người "thất bại" về ngoại ngữ. Và đến bây giờ thì tôi đã khởi nghiệp một công ty về phần mềm và giáo dục. Vì vậy, lý do mà tôi thành công là hoàn toàn bằng sự nỗ lực và chưa bao giờ bỏ cuộc. Đặc biệt, bằng lương tâm và nhiệt huyết với nghề, tôi đã thu hút và tuyển dụng được những nhân sự có chuyên môn vô cùng giỏi và có chung ước mơ. Tôi cho rằng tất cả những giấc mơ được tạo bởi những trái tim nhân hậu thì đều thành công.

Tôi sinh ra tại tỉnh Hà Nam, bố là giáo viên toán và mẹ là giáo viên văn. Khi học phổ thông trung học thì tôi học tiếng Nga. Mãi lên tới đại học tôi mới được học tiếng Anh. Nhưng do đặc trưng giọng địa phương, người Hà Nam rất khó để nói từ "very" một cách chính xác. Tôi cứ nói "ve-zi". Mỗi lúc như vậy, cả lớp tôi cười ầm lên và tôi cũng không hiểu là tại sao mỗi lần mình nói tiếng Anh thì các bạn lại cười đến thế. Hoặc là một bạn quê ở nơi khác, mỗi lần nói "hê-nô" thì tất cả lại cười. Từ ấy trở đi, tôi và bạn ấy không muốn nói trong lớp tiếng Anh nữa. Đấy là cách mà một thế hệ những người ngoại tỉnh như chúng tôi học tiếng Anh. Chúng tôi vô cùng tự ti và khó khăn.

Đến khi tôi tốt nghiệp ra trường, anh trai của tôi là anh Nguyễn Đại Phúc sống và làm việc tại Pháp, đã thúc đẩy tôi startup một công ty du học. Khi chứng kiến hàng chục nghìn học sinh đi du học bị shock ngôn ngữ, shock văn hóa và shock phương pháp học tập, tôi mới dành tất cả thời gian của mình để tìm hiểu là lý do gì mà sinh viên Việt Nam khi hội nhập quốc tế lại trở nên khó khăn như vậy và tôi đã quyết định xây dựng một ước mơ. Đó là tạo ra một hệ thống trung tâm Anh ngữ nhằm giúp các em học tập tại nước ngoài có đầy đủ kỹ năng, công cụ để hội nhập được giáo dục toàn cầu.

Tôi đã xây dựng được một hệ thống trung tâm Anh ngữ tiêu chuẩn 5 sao, nhưng chi phí để vận hành hệ thống quá đắt đỏ. Bởi vậy, tôi không phát triển hệ thống trung tâm trên toàn quốc, mà đưa chương trình đào tạo vào trong hệ thống trường học. Qua đó, giúp học sinh tiện lợi hơn, tiết kiệm kinh phí hơn và chương trình được quản trị bởi các hiệu trưởng các giáo viên và đã mang lại kết quả tốt hơn.

Khi đã có thành công nhất định, tôi từng được một chủ tịch tập đoàn giáo dục rất lớn đặt câu hỏi, tại sao Atlantic thực thi tốt như vậy mà chỉ đào tạo vài chục nghìn học sinh, chứ không phải là vài trăm nghìn học sinh. Lúc ấy, tôi dã tranh luận là tuy tiếng Anh đưa vào trong trường học tiết kiệm rất nhiều so với hệ thống trung tâm Anh ngữ, nhưng vẫn quá đắt so với nhiều người và đặc biệt là giáo viên bản xứ không về các tỉnh - nơi mà chưa có đủ tiêu chuẩn sống phù hợp với họ

Táo bạo chuyển đổi số

Atlantic Group cũng đã phát triển mảng phần mềm, chuyển đổi số giáo dục. Vì sao lại có bước ngoặt này, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan: Tôi không hề nghĩ là mình sẽ chuyển đổi số cho đến lúc COVID-19 ập đến. Khi ấy, chúng tôi được một công ty truyền thông đề nghị tạo ra những video dạy tiếng Anh để chiếu trên truyền hình toàn quốc. Thời điểm đó, đội ngũ học thuật của tôi từ chối, bởi vì học tiếng Anh thông qua các bài hát và câu chuyện thì đã có nhan nhản trên hệ thống mạng xã hội.

Vì thế, tôi từ chối khéo, là nếu họ đưa hệ thống trung tâm Anh ngữ 5 sao của chúng tôi lên truyền hình thì chúng tôi sẽ tham gia dự án. Không ngờ chủ tịch của công ty truyền thông đồng ý. Tôi cảm giác mình là người được chọn nên ngay lập tức chuyển sang tư duy và tìm hiểu cực kỳ nghiêm túc.

Chúng tôi nghiên cứu, nếu chuyển đổi toàn bộ hệ thống trung tâm Anh ngữ lên truyền hình thì không đủ để đạt hiệu quả cho học sinh. Nên chúng tôi nghĩ là buộc phải chuyển đổi số;  "những điểm chạm" của học sinh, những trải nghiệm của học sinh tại trung tâm offline như thế nào thì phải chuyển lên online một cách xuất sắc hơn, để người học hứng thú, đạt được hiệu quả. Lúc đấy mới là một sự chuyển đổi số thành công.

Tôi không phải dân ngoại ngữ, cũng không phải dân công nghệ. Suốt 2 năm liền, tôi mời rất nhiều công ty công nghệ và giáo dục đến làm việc với Tập đoàn. Tôi phát hiện ra các công ty công nghệ chủ yếu giỏi về công nghệ nhưng lại không giỏi về nội dung. Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều phần mềm, nhưng hầu hết chỉ giải quyết được một kỹ năng, ví dụ như kỹ năng về ngữ pháp, kỹ năng về đánh vần hay kỹ năng về về phát âm...

Vì thế, tôi tư duy, nếu chuyển đổi số toàn bộ hệ thống trung tâm Anh ngữ, khiến học sinh không còn phải qua trung tâm Anh ngữ nữa mà vẫn học được hiệu quả thì sẽ rất thành công.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 5% học sinh là được học tiếng Anh bởi giáo viên bản xứ và chương trình quốc tế chuẩn. Suy ra trên cả nước, tuy có 23 triệu học sinh và sinh viên, nhưng chỉ có vô cùng ít ỏi trong số đó được tiếp cận bởi những chương trình tiếng Anh chuẩn. Vậy số học sinh và sinh viên còn lại thì sao? Vậy hệ thống công nghệ của chúng tôi phải làm sao đảm bảo rút ngắn khoảng cách. Những người ở vùng xa xôi, những học sinh không có kinh tế thông qua hệ thống công nghệ này cũng được học tập, đạt được mục tiêu của mình.

Sau 2 năm nghiên cứu phương án triển khai, đến một ngày tôi gặp được một CTO (giám đốc công nghệ) Việt kiều người Mỹ, người đã nghĩ ra 11 điểm chuyển đổi từ offline lên online. Nhưng bạn CTO này xây dựng toàn bộ hệ thống nền tảng platform của chúng tôi lên trên nền tảng của Amazon. Bạn cứ tưởng tượng nếu bạn có một mảnh đất, tôi xây nhà máy trên mảnh đất của bạn thì quyền định đoạt muốn tôi tồn tại hay không là do bạn.

Lúc này, anh trai tôi Nguyễn Đại Phúc, người đã tạo ra nhiều phần mềm thành công tại châu Âu, tranh luận với CTO trên về việc nếu một kĩ sư có lương tâm thì phải tạo ra một phần mềm không phải là để bàn giao cho khách hàng, mà để là khi có vấn đề gì thì chúng ta có thể sửa chữa và phát triển nó. Và quan trọng là chúng ta phải tối ưu được chi phí để làm sao cho người dùng có thể chi trả chi phí thấp nhất. Còn nếu chúng ta gửi hệ thống công nghệ lên Amazon và tính chi phí thì liệu chúng ta có chịu được không?

Ba năm "tuổi già" và toàn bộ tài sản tôi tập trung hết vào đây. Đồng thời, trong 3 năm COVID-19 ấy, nền kinh tế và giáo dục đều bị ảnh hưởng nặng nề, tôi phải gồng gánh trả lương cho 500 nhân lực. Dù vậy, tôi vẫn quyết định táo bạo để đầu tư vào công nghệ giáo dục và đưa ra một lựa chọn theo ý kiến phân tích của anh trai tôi. Anh ấy đã gác lại sự nghiệp tại Pháp, quay trở lại Việt Nam, tuyển chọn 50 kỹ sư phần mềm, trong đó có những người đang làm việc ổn định tại các tập đoàn công nghệ lớn. Nhưng họ chia sẻ các nơi đó không hề có sản phẩm dành cho cộng đồng và họ có mong ước được tạo nên những sản phẩm có giá trị cao, mang tính cộng đồng, một sản phẩm của người Việt Nam dành cho giáo dục Việt Nam.

Chủ tịch Atlantic Group: Đóng góp giá trị cho cộng đồng từ thực hiện

Chủ tịch Atlantic Group Nguyễn Thị Ngọc Lan: Các kỹ sư phần mềm của Atlantic mong muốn tạo ra một sản phẩm của người Việt Nam dành cho giáo dục Việt Nam.

FSEL – phần mềm có thể thay thế Trung tâm Anh ngữ

Vậy bước đi chiến lược về chuyển đổi số, Tập đoàn đã đạt kết quả đột phá ra sao?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan: Một tin vui là tháng 1/2024, phần mềm FSEL do chúng tôi tạo nên đã ứng dụng trải nghiệm với 200 học sinh miễn phí và kết quả vô cùng tốt. Ngày 5/7 vừa qua, các em đã tham gia kỳ thi tiếng Anh Cambridge và đạt kết quả ấn tượng. Với kỳ thi tiếng Anh Cambridge, 100% học viên đạt và vượt mục tiêu đề ra, 20% học viên xuất sắc tăng 2 bậc so với bài đánh giá trình độ đầu vào. Với kỳ thi IELTS, 90% học viên đạt mục tiêu kỳ vọng và có điểm trung bình các kỹ năng (overall) từ 6,5 trở lên. Đây là minh chứng cho thấy chất lượng và hiệu quả FSEL hứa hẹn mang lại cho cộng đồng người học tiếng Anh trên toàn quốc. Một giám đốc trung tâm Anh ngữ 5 sao offline đã chia sẻ với tôi rằng họ cũng chưa làm được điều như vậy.

Đặc biệt, tháng 7/2024, Ban Đề án Ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã  thẩm định và đánh giá FSEL của chúng tôi là nền tảng học tập đa dạng và phong phú, đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho các kỳ thi học thuật phù hợp với học sinh Việt Nam ở từng độ tuổi định hướng học, thi IELTS, du học và xin học bổng đồng thời hỗ trợ tốt cho việc học tiếng Anh tại nhà trường theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc đưa hai chương trình là Tiếng Anh học thuật (Academic English) và Luyện thi IELTS (IELTS Pathway) là điều cần thiết, vì 2 chương trình được xây dựng bài bản và công phu, phù hợp với định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại Việt Nam.

Trong lúc kiểm nghiệm phần mềm, chúng tôi mời một công ty của Australia nghiên cứu thị trường và phát hiện ra một rào cản. Đó là 20 năm qua, tất cả các phần mềm xuất hiện tại nước ta đều chịu định kiến "phàm là phần mềm học ngoại ngữ thì chỉ học cho vui". Chúng tôi sẵn sàng chứng minh rằng phần mềm của chúng tôi có thể thay thế các mô hình học ngoại ngữ hiện tại, giúp các em học sinh và phụ huynh thay đổi định kiến ấy.

Chúng tôi cũng phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt để hàng năm trao tặng phần mềm cho học sinh nghèo và chúng tôi có thể đo lường để nhìn thấy các em tiến bộ như thế nào, từ đó thay đổi cuộc đời ra sao.

Atlantic Group là tập đoàn giáo dục với hơn 20 năm kinh nghiệm trong tư vấn du học quốc tế và đào tạo ngoại ngữ, đối tác của các chương trình chuẩn đầu ra Cambridge, đối tác của Hội đồng Anh (BC), IDP cho kỳ thi IELTS.

Năm 2003, trong bối cảnh đất nước mở cửa và hội nhập với thế giới trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực giáo dục, Công ty Giáo dục và đào tạo quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic Overseas Study – Du học Atlantic) đã được thành lập với mong muốn trở thành nhịp cầu tri thức, "giúp bạn vượt qua sóng lớn đại dương".

Sau nhiều năm hoạt động, Atlantic ngày càng trưởng thành và lớn mạnh, mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực đào tạo bổ trợ ngoại ngữ tại các trường tiểu học, THCS, THPT cũng như thành lập các trung tâm ngoại ngữ đẳng cấp 5 sao về chất lượng giảng viên, giáo trình giảng dạy, cơ sở vật chất, dịch vụ gia tăng và kết quả đầu ra với thương hiệu Atlantic Five-Star English.

Từ năm 2015 đến nay, Atlantic đã và đang liên kết đào tạo tiếng Anh cho hàng trăm trường tiểu học, THCS, THPT tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố, trong đó hàng nghìn học sinh đạt chứng chỉ Cambridge, IELTS cao.

Năm 2020, Atlantic thành lập Công ty CP Five-Star E-Learning (FSEL). FSEL là giải pháp được Atlantic đóng gói cho học sinh Việt mang tính tương tác cao, có thể thay thế mô hình học tại trung tâm Anh ngữ có lộ trình đánh giá đầu vào và đầu ra với giáo trình tiếng Anh theo chuẩn Cambridge với mức học phí hợp lý.

Minh Ngọc