Vì thế, năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử với nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thương mại điện tử tăng 18-20%
Báo cáo của Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua, thương mại điện tử tại Việt Nam đã khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm.
Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.
Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng.
Tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...
Bên cạnh đó, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần thương mại điện tử trong năm 2024. Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng thương mại điện tử đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, đi kèm với những tiện ích của giao dịch mạng, tình trạng hàng giả, hàng nhái kinh doanh qua thương mại điện tử đang dần trở nên phổ biến; gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế, an toàn tính mạng và mất niềm tin cho người tiêu dùng.
Vi phạm về thương mại điện tử tăng 266%
Theo nhận định của Tổng cục Quản lý thị trường, hàng lậu không chỉ bán ở các chợ truyền thống hoặc trà trộn trong một số siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ ở các khu dân cư mà còn được bán trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Cuối năm, khi người dân bận rộn và thói quen mua sắm trực tuyến đã trở thành phổ biến, các đối tượng lợi dụng điều này để bán hàng hóa lậu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh nhìn nhận, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại trên TMĐT cũng là điểm nóng mà lực lượng QLTT cả nước đã tập trung giám sát, kiểm tra. Thời gian gần đây, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện nhiều vi phạm, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện.
Đáng quan tâm hơn, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường TMĐT không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng TMĐT, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm, tăng 266% so với năm 2023, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng, tăng 220% so với năm 2023; trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng, tăng 440% so với năm 2023.
Ngăn chặn bằng cách nào?
Có thể nói, chống hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách trong phát triển kinh tế số. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp chính sách sát thực tiễn được Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đưa ra, vai trò của các sàn thương mại điện tử trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái là rất quan trọng.
Theo nhận định của các chuyên gia, TMĐT là xu hướng không thể né tránh, mang lại những điều rất tích cực, nhưng cũng có nhiều mặt trái. Vì thế chúng ta cần phải kết hợp nguyên tắc đầu tiên là chống đi đôi với xây. Vì thế cần nâng cao kiến thức của nhà sản xuất, ý thức của người tiêu dùng, năng lực của nhà quản lý, nghĩa là cần có sự phối hợp của các bên liên quan. Ngay bản thân các cơ quan nhà nước không thể né tránh được, phải phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước hay nhiều cơ quan khác như biên phòng, Bộ Y tế…
Đề cập đến giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trong TMĐT, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT, cho biết, cần phải có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp… và cả người tiêu dùng. Chúng ta phải xây mới chống được, trước mắt thì chống nhưng về lâu dài phải xây dựng nền tảng TMĐT vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0. Bên cạnh đó, phải xây dựng lực lượng chức năng chuyên trách. Tiếp theo, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.
“Với lực lượng QLTT, chúng tôi đã ban hành kế hoạch với những mục tiêu cụ thể để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ không những trong thương mại truyền thống mà cả ở không gian TMĐT… Với người tiêu dùng, không chỉ trong TMĐT mà trong quá trình mua hàng hóa nếu gặp các trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng thì hãy phối hợp với các cơ quan chức năng, hoặc gọi điện đến các đường dây nóng để chúng tôi tiếp nhận thông tin xử lý kịp thời, nhằm ngăn chặn các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm”, ông Nguyễn Đức Lê nói.