Cho muỗi đốt để tiêm 'vaccine' sốt rét

Admin

Theo nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia Anh, muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét đã biến đổi gen rồi cắn người, sẽ kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch, ngăn nhiễm bệnh.

Nghiên cứu nói trên công bố trên Tạp chí Y khoa New England ngày 20/11. Julius Hafalla, chuyên gia miễn dịch học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), đại diện nhóm nghiên cứu, giải thích thế giới có hai loại vaccine sốt rét, cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài bằng cách sản xuất kháng thể chặn ký sinh trùng sốt rét nhiễm vào tế bào gan, giảm nguy cơ nhiễm trùng cơ hội. Tuy nhiên, vaccine chỉ hiệu quả khoảng 75% và cần tiêm nhắc.

Do đó, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm phương pháp tốt hơn, tiếp cận từ ký sinh trùng biến đổi gen. Họ tận dụng kết quả của nghiên cứu về ký sinh trùng sốt rét biến đổi gen, gọi là GA1, thiết kế thêm một ký sinh trùng thứ hai là GA2. GA1 ngừng phát triển khoảng 24 giờ sau khi xâm nhập cơ thể, còn GA2 cần 6 ngày.

Nhóm nghiên cứu thử nghiệm nhiều lần ở Trung tâm Y tế Đại học Leiden và Trung tâm Y tế Đại học Radboud (Hà Lan). Tình nguyện viên bị 15 hoặc 50 con muỗi bị nhiễm GA2 đốt, so sánh mức kháng thể với nhóm bị muỗi nhiễm GA1 đốt và nhóm dùng giả dược. Giai đoạn này gọi là chủng ngừa, với ba lần bị muỗi đốt cách nhau khoảng 28 ngày. Sau đó, họ tiếp tục bị 50 con muỗi đốt, số lần lặp lại tương tự đợt trước. Cuối cùng, tất cả tình nguyện viên tiếp xúc ký sinh trùng sốt rét thông qua 5 lần muỗi đốt, để đánh giá hiệu quả bảo vệ.

Minh họa muỗi đốt truyền bệnh. Ảnh: Vecteezy

Minh họa muỗi đốt truyền bệnh. Ảnh: Vecteezy

Khoảng 10 người tham gia bị muỗi nhiễm ký sinh trùng GA1 cắn; 10 người bị muỗi nhiễm ký sinh trùng GA2 cắn. Sau mỗi lần muỗi đốt, họ có mức kháng thể cao hơn trước. Khoảng 13% nhiễm ký sinh trùng GA1, không mắc sốt rét; ở nhóm GA2 là 89%. Tác dụng phụ rất hạn chế, tình nguyện viên chỉ bị ngứa do muỗi đốt.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần xác nhận kết quả này trong thử nghiệm có quy mô lớn hơn. Nếu thành công, họ tiếp tục phát triển ký sinh trùng GA2 như một ứng cử viên vaccine, phục vụ kiểm soát bệnh sốt rét toàn cầu.

Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng gây ra, có khả năng lây từ người sang người. Nếu không được điều trị, bệnh gây gián đoạn cấp máu nội tạng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 4, cho biết 94% ca mắc sốt rét thuộc châu Phi. Năm 2022, khu vực này ghi nhận 249 triệu ca mắc mới, 608.000 ca tử vong. Nhóm ở nông thôn nghèo, ít được tiếp cận giáo dục, bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Đầu năm nay, nhiều quốc gia tại châu Phi như Cameroon, Sierra Leone và Liberia bắt đầu triển khai vaccine RTS,S. Tới tháng 7, Nam Sudan và Bờ Biển Ngà đưa vaccine R21 vào sử dụng. Đây là thành công đầu tiên của nhân loại trong tạo ra mũi tiêm phòng bệnh do ký sinh trùng, được WHO phê duyệt năm 2023 và 2024.

Chi Lê (Theo Nature)