Video mô phỏng viễn cảnh tuyến đường sắt Hà Nội-Quảng Ninh do AI sáng tạo ra.
Tính đột phá về mô hình đầu tư và công nghệ
Tập đoàn lớn của Việt Nam mới đây đã đề xuất với Chính phủ xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh phục vụ vận tải hành khách với vận tốc 300 km/h. Sau đề xuất của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong một cuộc họp mới đây đã giao cho các bên liên quan nghiên cứu.
Hiện tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh mới chỉ dừng lại ở đề xuất của phía doanh nghiệp song dự án này đánh dấu lần đầu tiên một tuyến đường sắt cao tốc được đề xuất xây dựng hoàn toàn bằng vốn tư nhân trong nước.
Tập đoàn này đề xuất thực hiện dự án theo hình thức PPP, BOO để giảm gánh nặng ngân sách. Theo phân tích từ một số chuyên gia, phương án này cho phép “huy động vốn đa dạng, ứng dụng công nghệ hiện đại, quản lý chuyên nghiệp và thực hiện dự án hiệu quả”.

Ảnh minh họa tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh tương lai bằng AI
Nếu thành công, đây sẽ được xem là một trong những cuộc cách mạng vận tải tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa nhà nước và tư nhân cũng mở đường cho các giải pháp đổi mới khác: nhà đầu tư có thể chủ động tiếp cận vốn quốc tế, phát hành trái phiếu và hợp tác công nghệ, giúp dự án triển khai linh hoạt hơn.
Công nghệ áp dụng cho tuyến cao tốc này hứa hẹn có thể rất hiện đại: đường đôi khổ 1.435 mm điện khí hóa chuẩn quốc tế, hệ thống tín hiệu và điều khiển tự động giúp tàu chạy ổn định ở 300 km/h. Đường sắt cao tốc đòi hỏi vật liệu và thiết bị chuyên biệt, cùng với công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật cao.
Dù đây là thách thức mới, nhưng điều đó đồng nghĩa kết nối nhanh và an toàn giữa các thành phố lớn. Việt Nam sẽ hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới để nhập khẩu các thành phần này, đồng thời xây dựng năng lực nghiên cứu, thiết kế và đào tạo chuyên gia trong nước. Nhờ đó, tuyến đường sắt sẽ trở thành bước đệm quan trọng cho hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên của Việt Nam.
Cơ hội bứt phá cho giao thông, du lịch và bất động sản miền Bắc?
Nếu dự án được thông qua và quá trình xây dựng được diễn ra nhanh chóng, tuyến đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh sẽ tạo bước ngoặt cho giao thông và du lịch khu vực phía Bắc. Hiện nay hành lang kết nối Hà Nội – Quảng Ninh “có nhiều di sản văn hóa, khu du lịch, nên nhu cầu vận tải hành khách lớn”.
Dự án sẽ rút ngắn khoảng cách giữa thủ đô và các điểm đến nổi tiếng (vịnh Hạ Long, núi Yên Tử, Cẩm Phả…) xuống chỉ còn 30 phút. Điều này không chỉ thu hút thêm du khách đến Quảng Ninh mà còn tạo điều kiện cho người dân đi du lịch một ngày từ Hà Nội – Quảng Ninh và ngược lại, thúc đẩy phát triển các tour du lịch kết hợp.

Ảnh minh họa tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh tương lai bằng AI
Ngoài ra, dự án không chỉ kết nối hai địa phương mà còn tái định vị bản đồ du lịch miền Bắc, khi những điểm đến xa xôi như Hạ Long hay Yên Tử được “dịch chuyển” dễ dàng từ Hà Nội hơn bao giờ hết. Chỉ với chừng nửa ngày di chuyển, các tour liên vùng sẽ dễ dàng đưa khách hàng đến nơi đây.
Bên cạnh du lịch, tuyến đường mới còn thúc đẩy phát triển đô thị và bất động sản dọc tuyến. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát quy hoạch hạ tầng và phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ ven tuyến (mô hình TOD). Các khu vực lân cận nhà ga sẽ trở thành điểm đầu tư hấp dẫn với dịch vụ lưu trú, giải trí và trung tâm thương mại.
Các chuyên gia bất động sản dự đoán giá đất quanh các ga sẽ tăng mạnh do hiệu ứng giao thông mới. Việc phát triển các khu đô thị mới và trung tâm dịch vụ phụ trợ ngay cạnh nhà ga sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhờ nhu cầu dân cư và du lịch tăng cao.
Khi người dân chuyển sang tàu cao tốc, áp lực giao thông đường bộ sẽ giảm, giúp kết nối liên vùng hiệu quả hơn. Ví dụ, hàng hóa từ cảng Cái Lân hoặc các tỉnh biên giới phía Bắc sẽ được vận chuyển nhanh chóng vào nội địa, tăng cường lưu thông và trao đổi kinh tế.
Như vậy, dự án có thể mở ra “bản đồ du lịch mới” cho miền Bắc, khi Quảng Ninh – vốn là đầu tàu du lịch – được thổi sức sống mới từ nguồn khách Hà Nội và quốc tế.

Bảng so sánh dự án mới với một số tuyến đường sắt hiện có tại miền Bắc.
Nhiều người hào hứng mong chờ
Trước thông tin đề xuất tuyến Hà Nội - Quảng Ninh sẽ chạy tàu tốc độ cao 300km/h, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Hạ Long và ngược lại từ 2,5 tiếng còn 30 phút, người dùng mạng xã hội bàn tán xôn xao, nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình và hy vọng dự án sớm thành hiện thực.
"Nếu tuyến tàu này được xây dựng, mai mốt các con đi học đại học có thể sáng đi học và tối về ăn cơm với bố mẹ được rồi", một tài khoản tên Nguyen Toan ở Quảng Ninh hào hứng viết ngay sau khi xem thông tin về đề xuất tuyến đường sắt này.
Một người khác thì đặt câu hỏi: "30 phút thật không? Vậy ở nhà Hạ Long sáng đi làm Hà Nội có khi còn nhanh hơn mấy bác nhà Hà Nội tắc đường cả tiếng ấy chứ nhỉ?"
Một chủ khách sạn ở Hạ Long thì kỳ vọng và tính toán, với tuyến đường sắt mới được thông qua và xây dựng, lượng khách nội địa tại Hạ Long sẽ tăng từ 15–20% chỉ trong 2 năm đầu vận hành, giúp các khách sạn, nhà hàng, khu giải trí địa phương bùng nổ doanh thu.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh tương lai sẽ đưa nhiều du khách về với Hạ Long hay Yên Tử. Ảnh minh họa bằng AI
Người này phân tích: "Hiện nay, khách từ Hà Nội đi ô tô mất khoảng 2 giờ, nếu chỉ mất 30 phút như đề xuất tuyến đường sắt cao tốc, lượng khách cuối tuần chắc chắn sẽ tăng mạnh. Không chỉ du khách lưu trú dài ngày, mà những nhóm khách nghỉ dưỡng 1 ngày từ Hà Nội cũng sẽ đổ về đông hơn. Với tốc độ di chuyển nhanh như vậy, chúng tôi có thể xây dựng thêm các gói dịch vụ linh hoạt như đi sáng – về tối, hoặc nghỉ đêm tiện lợi hơn."
Đồng quan điểm với các bình luận trên, anh Hiệp ở quận Long Biên, Hà Nội cũng tỏ ra hào hứng và cho rằng, "trước đây, cả nhà tôi muốn đi chơi Hạ Long phải lên kế hoạch cả tuần, đi lại mệt mỏi. Nếu đi tàu cao tốc chỉ 30 phút, cả nhà có thể tự nhiên quyết định chiều thứ Bảy đi, Chủ nhật về. Trẻ con vừa được ra biển, mà người lớn không mệt vì lái xe".
Những thách thức
Với dự án đường sắt tốc độ cao 300km/h, dài hơn 120km, số vốn cần huy động sẽ rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD, đây có thể sẽ là một trong những thách thức lớn. Tuy nhiên phía doanh nghiệp đề xuất dự án đã đưa ra giải pháp đầu tư xây dựng Dự án đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh theo phương thức PPP với hình thức hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) để giảm gánh nặng đầu tư, bảo trì, vận hành cho ngân sách nhà nước.
Về công nghệ và vận hành, tuyến tốc độ cao 300 km/h cần trang thiết bị và kỹ thuật chuyên sâu. Việt Nam chưa từng vận hành tuyến nào ở tốc độ này, nên dự án phải nhập khẩu công nghệ mới (tàu, ray, tín hiệu) và đào tạo đội ngũ vận hành – bảo trì đủ tiêu chuẩn quốc tế.

Với dự án đường sắt tốc độ cao 300km/h, dài hơn 120km, số vốn cần huy động sẽ rất lớn, có thể lên tới hàng tỷ USD. Ảnh minh họa bằng AI
Về mặt đồng bộ hạ tầng, giao thông, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng phối hợp rà soát, bổ sung quy hoạch đường sắt trên hành lang Hà Nội – Quảng Ninh và chọn hướng tuyến tối ưu nhất.
Trên thực tế, cần xác định vị trí các nhà ga đầu cuối, đảm bảo kết nối với tuyến metro, đường cao tốc, cảng biển hiện có. Việc giải phóng mặt bằng qua nhiều tỉnh và điều chỉnh quy hoạch đô thị ven tuyến cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Chỉ khi mọi hạ tầng đồng bộ, tuyến đường sắt mới phát huy hết hiệu quả.
Dự án đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Quảng Ninh mang trong mình tiềm năng đột phá cho vận tải và du lịch phía Bắc. Song để thành công, việc chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, công nghệ và quy hoạch đóng vai trò rất quan trọng.
Nếu vượt qua được những thách thức trên, tuyến đường sắt mới sẽ trở thành một bước tiến quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia, đồng thời dự án cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho chiến lược phát triển đường sắt cao tốc dài hạn của Việt Nam.