‘Chạy’ 3 việc làm thêm cùng lúc để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán

Admin

Những ngày cuối năm, dù bận thi cuối kỳ, nhiều sinh viên đại học vẫn tranh thủ làm thêm sau giờ học để mua vé về quê và giúp gia đình sắm Tết.

Sinh viên tranh thủ làm thêm dịp cuối năm để mua vé máy bay, giúp gia đình sắm Tết. Ảnh: Freepik.

Cuối năm là thời điểm sinh viên bắt đầu bước vào kỳ thi cuối kỳ. Đây cũng là thời điểm nhiều bạn trẻ tăng cường làm thêm, kiếm thu nhập để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Dù lịch học, lịch ôn thi chồng chéo, 3 bạn trẻ chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng các bạn vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để "chạy job". Các bạn hy vọng số tiền kiếm được từ việc làm thêm có thể lo cho bản thân, mua vé máy bay về quê và giúp gia đình sửa soạn, đón Tết.

Vừa tan học đã vội đi làm thêm
Bích Phượng (TP.HCM), sinh viên năm 3

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Bích Phượng, sinh viên năm 3 tại TP.HCM, cho biết vào giai đoạn cuối năm, nhất là vào các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết dương lịch, quán cà phê nơi cô làm việc sẽ đón lượng khách đông hơn thường lệ. Do đó, ngay sau khi tan học, Phượng sẽ đến quán ngay lập tức để chuẩn bị cho ca làm kéo dài trong 5-7 giờ.

sinh vien lam them anh 1

Bích Phượng bận rộn hơn vào dịp cuối năm vì lượng khách đến quán cà phê đông hơn thường lệ. Ảnh: NVCC.

Hiện, công việc của Phượng là giám sát cửa hàng, bao gồm các phần việc như đảm bảo đầu ra sản phẩm, theo dõi quá trình vận hành quán và chăm sóc khách hàng. Với những ngày bận đi học, nữ sinh sẽ đăng ký làm ca tối, bắt đầu từ 17h30 và kết thúc vào 22h30.

Một điều mà Phượng cảm thấy thoải mái là chủ quán không yêu cầu làm quá nhiều, chỉ cần tối thiểu 4-5 ca mỗi tuần. Do đó, nữ sinh vẫn đảm bảo có đủ thời gian để chăm lo cho việc học. Tuy nhiên, nhiều lúc, do mải mê với việc làm thêm kiếm tiền, cô vẫn cảm thấy hơi mất cân bằng giữa việc học và việc làm thêm.

“Hiện, thu nhập từ việc làm thêm của mình dao động trong khoảng 5-6 triệu đồng, tùy vào số ca mình đăng ký làm nhiều hay ít. Mình dự tính dùng số tiền này để chi trả cuộc sống hàng ngày và một số chuyến du lịch nhỏ”, Phượng chia sẻ.

Nói thêm về việc đi làm dịp cuối năm, Phượng cho biết trước đây, khi làm thêm ở những quán cũ, cô từng làm việc cật lực xuyên Tết và nhận được mức lương gấp đôi, gấp ba những ca làm ngày thường. Nhưng sau đó, cô nhận ra việc cày xuyên Tết khá mất sức và không thể dành nhiều thời gian cho gia đình. Do đó, nữ sinh dự tính năm nay sẽ chỉ làm việc vừa đủ và dành trọn kỳ nghỉ Tết cho gia đình.

Làm 3 việc cùng lúc
Đức Trung (TP.HCM), sinh viên năm 2

Cũng giống như Bích Phượng, dịp cuối năm là thời điểm mà Trung làm việc "cật lực" nhất. Nam sinh cho biết hiện cậu làm 3 đầu việc là chạy bàn ở quán ăn, làm phục vụ ở trung tâm việc cưới và ship đồ ăn đêm. Thu nhập cho 3 công việc này giúp Trung thu về khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Trung cho biết chạy bàn ở quán ăn là công việc cậu gắn bó từ cuối năm nhất đại học. Công việc này chỉ kéo dài trong khoảng 4-5 giờ với mức lương 27.000 đồng/giờ nên nam sinh có thể linh động với việc học mà không sợ bị ảnh hưởng quá nhiều.

Đến đầu năm 2, Trung được người thân giới thiệu làm thêm ở trung tâm tiệc cưới. Công việc này không cố định, chỉ khi có tiệc cưới, Trung mới được gọi đi. Nhưng vào dịp cuối năm, đám cưới đám hỏi nhiều hơn, nam sinh lại bắt đầu "chạy show" không ngừng nghỉ, nhất vào các ngày cuối tuần.

Ship đồ ăn đêm là công việc Trung mới làm thêm từ đầu tháng 11 với lý do "cày thêm để mua vé máy bay về quê đón Tết".

Nam sinh chia sẻ gia đình không khá giả nên cậu đã tự lo sinh hoạt phí từ sớm. Ngoại trừ học phí, mọi khoản chi khác khi sống ở TP.HCM đều do Trung tự lo nhờ việc làm thêm. Tết Nguyên đán 2025, vé máy bay lại đắt hơn năm 2024 nên Trung nhận thêm việc để có tiền mua vé và giúp gia đình sắm Tết.

"Đợt này mình vẫn đang thi học kỳ. Chạy nhiều việc thì không có thời gian học nhưng mình vẫn muốn cố. Chỉ còn một tháng nữa là Tết, mình không muốn 'tay không' trở về nhà", Trung tâm sự.

Muốn giúp bố mẹ sắm Tết
Thùy Dung (Hà Nội), sinh viên năm cuối

Không áp lực chuyện mua vé máy bay Tết như Đức Trung, nhưng Thùy Dung vẫn cố gắng "chạy" việc gia sư và trợ giảng để chuẩn bị cho dịp Tết này. Từ khi lên đại học và bắt đầu làm thêm, Dung vẫn thường giúp bố mẹ sắm một số món đồ cho dịp Tết, năm nay cũng không ngoại lệ.

sinh vien lam them anh 2

Thùy Dung vẫn duy trì công việc gia sư, trợ giảng để lo cho bản thân và giúp gia đình sắm Tết. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về công việc gia sư, Dung cho biết hiện cô gia sư môn Ngữ văn và Tiếng Anh cho học sinh tiểu học và THCS. Trung bình mỗi tuần, cô dạy 4 lớp vào các buổi tối.

Còn với công việc trợ giảng, Dung đang làm trợ giảng cho một trung tâm tiếng Anh với tần suất 4 ca/tuần, mỗi ca kéo dài trong khoảng 3,5-4 giờ.

Với 2 công việc này, Dung kiếm được khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng. Số tiền này được nữ sinh dùng chi trả sinh hoạt phí, các khoản mua sắm cá nhân hoặc tiết kiệm cho các chuyến du lịch nhỏ.

"Năm nay, trường mình cho sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán 2 tuần. Vẫn như mọi năm, mình sẽ tự chạy xe máy về quê và dùng số tiền kiếm được từ việc làm thêm để phụ giúp gia đình sắm Tết", Thùy Dung tự hào chia sẻ.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.