Chàm và vảy nến khác nhau thế nào

Admin

Dù đều có các mảng da khô, đỏ đặc trưng, song bệnh chàm gây ngứa nhiều hơn và các nốt sưng, trong khi vảy nến khiến da bong tróc từng mảng.

Chàm và vảy nến đều là bệnh viêm da không thể chữa khỏi. Do một số triệu chứng tương tự nhau nên hai bệnh này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị chẩn đoán nhầm. Có thể phân biệt chàm và vảy nến qua các yếu tố như vùng da bị ảnh hưởng, đặc điểm da và mức độ ngứa.

Vị trí

Bệnh chàm và vảy nến đều gây ra các mảng da khô, viêm, triệu chứng biểu hiện theo từng đợt bùng phát. Tuy nhiên, chàm thường xuất hiện ở khuỷu tay và mặt sau của đầu gối (bề mặt da có nếp gấp). Còn vảy nến thường ở mặt ngoài của cẳng tay và khuỷu tay hoặc mặt trước của đầu gối, cẳng chân (bề mặt da phẳng).

Bệnh vảy nến cũng có thể xảy ra trên da đầu, mặt, môi, tai, cổ, rốn, cánh tay, chân, bàn chân, bàn tay, mắt cá chân và lưng dưới. Những vùng này cũng có thể bị chàm nhưng thường không nghiêm trọng như vảy nến.

Hai bệnh này đều có thể gây ra các đường gờ, đổi màu và dày lên ở móng tay, móng chân. Tuy nhiên, chỉ có bệnh vảy nến mới gây ra các lỗ nhỏ trên móng tay (rỗ trên móng).

Đặc điểm da

Bong tróc là dấu hiệu chính của bệnh vảy nến, còn người bị chàm ít khi gặp tình trạng này. Bệnh chàm có thể gây phát ban, sưng, nốt sần, mụn nước, các vùng da sẫm màu, dày, sần sùi (lichen hóa). Người bị chàm nặng có thể rỉ dịch và đóng vảy ở vùng da tổn thương.

Trong khi bệnh vảy nến biểu hiện dưới dạng các mảng da đỏ được xác định rõ, bao phủ bởi các vảy trắng bạc mịn. Các mảng bám này dễ chảy máu khi gãi và để lại các đốm máu nhỏ li ti.

Các đặc điểm giúp phân biệt chàm và vảy nến. Đồ họa: Verywell Health

Các đặc điểm giúp phân biệt chàm và vảy nến. Đồ họa: Verywell Health

Mức độ ngứa

Người bệnh vảy nến có thể bị ngứa nhẹ, nhưng triệu chứng ngứa do chàm thường nghiêm trọng. Nguyên nhân gây ngứa của hai bệnh khác nhau. Ở bệnh vẩy nến, ngứa xảy ra do viêm ở da tác động đến các thụ thể thần kinh được gọi là thụ thể đau.

Các thụ thể đau cũng bị kích thích trong bệnh chàm, nhưng tình trạng kích ứng nặng hơn do kháng thể là immunoglobulin E (IgE) có liên quan đến dị ứng. Những người bị chàm có kháng thể IgE, còn người bị vẩy nến thì không.

Nguyên nhân

Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh chàm là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Chúng khiến cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu gọi là tế bào T. Các tế bào này kích hoạt phản ứng viêm để bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Tình trạng viêm khiến các tế bào trong hạch bạch huyết bơm IgE vào máu. IgE khiến các tế bào ở lớp ngoài của da (tế bào biểu bì) sưng lên và xảy ra những thay đổi trên da như nổi cục và dày lên.

Bệnh vảy nến là bệnh tự miễn, tức hệ thống miễn dịch coi các tế bào da bình thường là có hại và tấn công chúng bằng cách gửi tế bào T. Các tế bào T nhắm vào các tế bào da mới (chưa trưởng thành) được gọi là tế bào sừng. Tình trạng viêm khiến các tế bào này phân chia nhanh hơn.

Thông thường phải mất 28-30 ngày để các tế bào da mới thay thế nhưng ở bệnh vẩy nến, thời gian chỉ 3-5 ngày. Vì các tế bào da được tạo ra nhanh hơn tốc độ cơ thể có thể loại bỏ, chúng bị đẩy lên bề mặt da và hình thành các tổn thương.

Yếu tố kích hoạt

Hai yếu tố di truyền và môi trường dường như đóng vai trò gây ra chàm, vảy nến. Vì bệnh chàm liên quan đến kháng thể IgE nên các chất gây dị ứng phổ biến có thể gây ra các đợt bùng phát, bao gồm mạt bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, nấm mốc. Bên cạnh đó là một số thực phẩm nhất định như các sản phẩm từ sữa, trứng, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành, lúa mì.

Những yếu tố trong môi trường có thể kích hoạt bệnh vảy nến không cụ thể bằng bệnh chàm. Tuy nhiên, nhiều tác nhân khiến các bệnh tự miễn khác bùng phát cũng gây ra vảy nến bao gồm nhiễm trùng, rượu, thuốc lá, chấn thương da và một số loại thuốc.

Cả chàm và vảy nến đều có thể do thời tiết cực lạnh và khô hoặc cực nóng và ẩm gây ra. Căng thẳng cũng là tác nhân chung cho cả hai tình trạng.

Anh Ngọc (Theo Verywell Health)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp