
Trong khi làn sóng sa thải lập trình viên đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều công ty công nghệ lớn với lý do AI có thể thay thế con người, Thomas Dohmke - CEO của GitHub - lại đưa ra quan điểm hoàn toàn ngược lại. Ông khẳng định rằng các công ty thông minh nhất không phải là những nơi đang cắt giảm nhân sự kỹ thuật, mà chính là những tổ chức đang tích cực tuyển dụng thêm nhiều lập trình viên hơn.
" Các công ty thông minh nhất sẽ tuyển thêm nhiều nhà phát triển ," ông Dohmke chia sẻ trong podcast "The Silicon Valley Girl". Lập luận của ông dựa trên một nguyên lý toán học đơn giản nhưng mạnh mẽ: " Nếu bạn có thể tăng hiệu suất của một nhà phát triển lên 10 lần, thì 10 nhà phát triển có thể làm được công việc gấp 100 lần ."

Ông Thomas Dohmke - CEO của GitHub
Quan điểm này đi ngược lại hoàn toàn với xu hướng hiện tại của nhiều công ty trong ngành công nghệ. Thay vì xem AI như một công cụ thay thế lao động con người, ông Dohmke coi nó như một "siêu năng lực" giúp khuếch đại khả năng của từng cá nhân. Điều này tạo ra hiệu ứng nhân lên mạnh mẽ: khi mỗi lập trình viên trở nên hiệu quả hơn, việc tuyển thêm người sẽ mang lại lợi ích theo cấp số nhân thay vì cấp số cộng.
Một trong những lý do quan trọng khiến CEO GitHub tin tưởng vào tương lai tươi sáng của nghề lập trình chính là khả năng phổ cập hóa kiến thức mà AI mang lại. Trước đây, việc học lập trình thường gặp phải rào cản lớn khi người học gặp khó khăn mà không có ai xung quanh có thể hỗ trợ. " Điều bực bội nhất khi học một thứ gì đó là bạn bị mắc kẹt ở đâu đó, và không có ai ở nhà hay trong gia đình, bạn bè có thể giúp bạn, bởi họ đều là những người không có kiến thức kỹ thuật, " ông Dohmke giải thích.
AI đã thay đổi hoàn toàn tình hình này. Giờ đây, bất kỳ ai muốn học lập trình đều có thể tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Khi gặp khó khăn, họ có thể ngay lập tức nhận được sự hỗ trợ từ AI thay vì phải chờ đợi hoặc tìm kiếm người giúp đỡ. " Khi chúng tôi nói AI đang phổ cập hóa quyền tiếp cận, đó chính là điều chúng tôi muốn nói. Bất kỳ ai muốn học đều có thể học được ."

Tuy nhiên, việc AI làm cho lập trình trở nên dễ tiếp cận hơn không có nghĩa là vai trò của các chuyên gia sẽ biến mất. Ngược lại, ông Dohmke nhấn mạnh rằng trong môi trường doanh nghiệp, kiến thức chuyên sâu về lập trình vẫn là yếu tố then chốt để tận dụng tối đa sức mạnh của AI. " Tôi nghĩ ý tưởng rằng AI mà không cần bất kỳ kỹ năng coding nào có thể giúp bạn xây dựng một doanh nghiệp tỷ đô là sai lầm. Bởi nếu điều đó đúng, ai cũng có thể làm được rồi ."
Điều này tạo ra một thị trường lao động hai tầng: ở tầng cơ bản, AI giúp nhiều người có thể thực hiện các tác vụ lập trình đơn giản cho nhu cầu cá nhân. Nhưng ở tầng chuyên nghiệp, nhu cầu về những lập trình viên có kiến thức sâu rộng và khả năng làm việc hiệu quả với AI lại tăng cao hơn bao giờ hết.
Đối với xu hướng sa thải và tạm ngừng tuyển dụng đang diễn ra tại nhiều công ty công nghệ, CEO GitHub cho rằng đây chỉ là hiện tượng tạm thời. " Tôi nghĩ đây là hiệu ứng tạm thời. Đây là kết luận tự nhiên cho ngắn hạn - chúng ta giữ mọi thứ ổn định và cố gắng tìm hiểu thị trường sẽ phát triển như thế nào ," ông phân tích.

Ông Dohmke dự đoán rằng những công ty đang thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự sẽ sớm nhận ra sai lầm của mình. "R ất nhanh thôi, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy mọi người nói: 'Khoan đã, nếu tôi có thêm một nhà phát triển hiệu quả hơn, tại sao tôi không tuyển thêm một người nữa, rồi thêm một người nữa? '"
Bằng chứng cho quan điểm này đến từ chính quan sát thực tế về khối lượng công việc trong ngành. Mặc dù AI đã giúp các lập trình viên làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn, nhưng điều này không dẫn đến việc giảm nhu cầu công việc. Ngược lại, " AI đã thêm nhiều việc vào backlog. Tôi chưa thấy công ty nào nói: 'Chúng tôi đã hoàn thành hết backlog và gần như không còn việc gì để làm .'"
Hiện tượng này có thể được giải thích bằng định luật Parkinson áp dụng cho công nghệ: khi công cụ trở nên mạnh mẽ hơn, con người có xu hướng đặt ra những mục tiêu cao hơn và phức tạp hơn. AI không làm giảm khối lượng công việc mà làm tăng khả năng thực hiện những dự án mà trước đây được coi là không khả thi.
Từ góc nhìn của một CEO dẫn dắt nền tảng lớn nhất thế giới dành cho các lập trình viên, ông Dohmke có cái nhìn lạc quan về tương lai nghề nghiệp này. Ông cho rằng đây là "thời điểm thú vị nhất" để trở thành một developer, bởi quá trình lập trình đã được thay đổi theo hướng tích cực. " Giấc mơ của phát triển phần mềm luôn là tôi có thể lấy ý tưởng trong đầu vào sáng Chủ nhật, và đến tối, tôi đã có ứng dụng chạy trên điện thoại của mình ."