Cấp cứu viên ngoại viện phải có giấy phép hành nghề

Admin

(NLĐO) – Sắp tới, một số đối tượng như cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng phải có giấy phép hành nghề.

GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thông tin trên tại hội nghị phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ngày 25-5.

Ông Thuấn cho biết Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua vào đầu năm 2023, nhiều nội dung mới, thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám chữa bệnh.

Cấp cứu viên ngoại viện phải có giấy phép hành nghề - Ảnh 1.

Lãnh đạo các bộ, ngành thảo luận cùng các bệnh viện tại hội nghị

Khó thực hiện Luật Khám, chữa bệnh

Rút giấy phép hành nghề nếu bác sĩ Việt Nam tiếp tay cho phòng khám Trung Quốc

Vì sao Sở Y tế Bình Dương đề nghị "cấm cửa" 6 bác sĩ hành nghề khắp cả nước?

Một trong những điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề là quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Đây là bước đột phá trong hội nhập quốc tế, thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khoẻ và nâng cao chất lượng người hành nghề, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm. 

Bên cạnh đó, luật bổ sung một số đối tượng - như: cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng - phải cấp giấy phép hành nghề thời hạn 5 năm, sau đó tiếp tục gia hạn khi có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.

Theo ông Thuấn, các quy định về chuyên môn kỹ thuật cũng có nhiều điểm mới.

Để Luật Khám bệnh, Chữa bệnh được thực thi theo đúng lộ trình, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng nội dung nghị định, thông tư, quyết định, các đề án đã được phân công, bảo đảm đúng tiến độ để có thể thực thi ngay khi luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2024.

Tại hội nghị, đại diện một bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP HCM cho biết đơn vị này thường xuyên hợp tác với các bác sĩ nước ngoài. Nếu như trước đây, người nước ngoài muốn khám chữa bệnh tại Việt Nam thì xin giấy phiên dịch cho bác sĩ là đã có thể hành nghề. Tuy nhiên, sắp tới, áp dụng luật mới, bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề trong nước thì phải thông thạo tiếng Việt. Do đó, để tiếp tục hợp tác với nước ngoài thì phải chuyển sang chuyển giao kỹ thuật, vì bác sĩ nước ngoài muốn thông thạo tiếng Việt cũng không đơn giản.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP HCM đề nghị nên có các quy định rõ hơn về mức giá trần đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài công lập. Thời gian qua, đơn vị đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc một số cơ sở y tế tư nhân thu phí dịch vụ khám chữa bệnh quá cao. Tuy nhiên, khi thanh kiểm tra thì mức giá này đã được cơ sở đăng ký từ trước. 

Một số cơ sở y tế tư nhân thu phí thủ thuật như cắt bao quy đầu từ 60-70 triệu đồng, nạo phá thai từ 50-60 triệu đồng… là quá cao nhưng do đã đăng ký từ trước nên không thể xử phạt . Trong khi đó, Sở Y tế không thể khống chế giá trần dịch vụ khám chữa bệnh do không có quy định.