Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông được quy hoạch từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) tới TP. Cà Mau với chiều dài 2.063km.
Toàn bộ quá trình tuyến cao tốc được chia làm nhiều giai đoạn, giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư 654km với tổng mức vốn 118.716 tỷ đồng, giai đoạn 2021 – 2025 đầu tư 729km với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng.
Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thực hiện các mục tiêu lớn đã đề ra.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng: Kết nối Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số (khoảng 62 triệu người), đóng góp 65,7% GDP Việt nam, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách.
Hiện nay, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống giao thông thông minh (ITS) đồng thời với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam khi đưa vào khai thác trong năm 2025.
Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ điện tử, tin học, viễn thông… vào công tác tổ chức quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả...
Hệ thống giao thông thông minh cung cấp thông tin theo thời gian thực và giải pháp điều khiển giao thông linh hoạt bảo đảm trật tự, An toàn giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường. ITS là yếu tố then chốt tạo nên hệ thống giao thông bền vững.
Hệ thống giao thông thông minh ITS đã trở nên phổ biến trên thế giới nhưng rất phức tạp đòi hỏi công nghệ tối tân, đồng bộ. Nếu rời rạc thì thông tin chỉ hình thành trong nội tuyến, một thông tin ở tuyến này không thể báo sang tuyến khác và người đi đường của tuyến khác.
Về cơ bản, ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin viễn thông. Từ đó, ITS phục vụ cho việc quản lý, vận hành, khai thác và lưu thông được tối ưu nhất trên các tuyến đường.
Việt Nam đã rất nỗ lực nghiên cứu để có thể tự triển khai công nghệ thông minh này. Vào 17/3, Bộ Xây dựng có văn bản yêu cầu các Ban QLDA trực thuộc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông của các dự án thành phần thuộc các Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù từ cuối tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) đã có nhiều chỉ đạo nhưng đến nay tiến độ triển khai hệ thống ITS, trạm thu phí và công trình kiểm soát tải trọng xe (hệ thống giám sát điều hành giao thông) của các dự án thành phần thuộc các Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 vẫn tiếp tục chậm so với chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2025, Bộ Xây dựng yêu cầu giám đốc các Ban Quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh nghiêm túc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định do chậm thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng.
Đối với 5 dự án thành phần đầu tư công thuộc giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Xây dựng yêu cầu các Ban QLDA khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu và khởi công các gói thầu xây lắp trước ngày 15/3/2025; hoàn thành lựa chọn nhà thầu và khởi công gói thầu cung cấp thiết bị và gói thầu cung cấp phần mềm dùng chung trước ngày 10/4/2025; hoàn thành hệ thống giám sát điều hành giao thông theo tiến độ hợp đồng để đưa vào sử dụng trong năm 2025.
Đối với các dự án thành phần giai đoạn 2021 - 2025, các Ban QLDA khẩn trương hoàn thành lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra trước ngày 15/3/2025; hoàn thành hồ sơ thiết kế và dự toán bước thiết kế sau thiết kế cơ sở trong tháng 4/2025; hoàn thành lựa chọn nhà thầu trước ngày 15/5/2025; hoàn thành hệ thống giám sát điều hành giao thông để đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025.