Cần thiết giữ giá trần vé máy bay

Admin

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định giá trần vé máy bay để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh tình trạng doanh nghiệp tăng giá vé quá cao

Ngày 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi). Trong đó, nội dung bỏ hay giữ giá trần vé máy bay còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Bỏ giá sàn vé máy bay

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết đa số đại biểu QH tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc giữ quy định giá trần và bỏ quy định giá sàn vé máy bay.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng vé máy bay không phải là hàng hóa, dịch vụ trong nhóm nhà nước định giá theo quy định nên việc áp giá trần không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, giá trần vé máy bay trong một số trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư hoặc chi phí đầu vào và việc điều chỉnh giá trần thường rất chậm, không theo kịp biến động của thị trường cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng cần thiết bỏ quy định giá sàn vé máy bay. Theo Thông tư 17/2019 của Bộ Giao thông Vận tải, giá sàn đang được quy định bằng 0 nên việc bỏ giá sàn không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp hàng không. Còn đối với giá trần vé máy bay, quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH là cần thiết giữ quy định này bởi dịch vụ vận chuyển hàng không thuộc loại hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và đáp ứng các tiêu chí luật định khác.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giá (sửa đổi) cho rằng cùng với đề xuất bỏ giá sàn, việc đặt vấn đề không quy định giá trần đồng nghĩa nhà nước bỏ công cụ điều tiết, cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ. Khi đó, các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá dịch vụ (trong đó có giá vé máy bay) ở mức cao, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như tác động đến xã hội.

Cần thiết giữ giá trần vé máy bay - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa lo ngại nếu không quy định giá trần vé máy bay, hãng hàng không sẽ tăng giá khó kiểm soát Ảnh: PHẠM THẮNG

Bảo vệ lợi ích người tiêu dùng

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nghiêng về phương án bỏ cả giá trần và giá sàn vé máy bay. Theo đại biểu Hạ, việc giữ giá trần và giá sàn vé máy bay không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 11/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bên cạnh đó, bỏ giá trần, giá sàn vé máy bay sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Đồng thời, các hãng hàng không có thể thực hiện chính sách giá vé linh hoạt với mức giá phù hợp, tăng số vé giá rẻ nhằm kích cầu. Việc này cũng góp phần bảo đảm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

"Vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu. Các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong cung ứng dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy luật cung cầu" - đại biểu Hạ nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề: Nếu không có giá trần thì ai sẽ quản lý giá vé máy bay? Đại biểu Hòa dẫn chứng dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, giá vé máy bay nhiều chặng nội địa tăng cao dù vẫn ở trong khung giá. Nếu bỏ quy định giá trần thì mức giá có thể tăng cao ở mức khó kiểm soát. Do đó ông Hòa kiến nghị duy trì giá trần vé máy bay để người dân được hưởng giá dịch vụ hàng không ở mức phù hợp, tránh tình trạng doanh nghiệp tăng giá tùy tiện.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) cũng đồng tình với giải trình của Ủy ban Thường vụ QH về việc cần thiết phải có sự điều tiết của nhà nước để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận dịch vụ hàng không, nhất là đối tượng có thu nhập thấp.

Mặt khác, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau nên cần quy định rõ chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông mới thuộc danh mục do nhà nước định giá. Còn đối với các hạng thương gia, phổ thông đặc biệt..., doanh nghiệp có thể tự định giá theo cơ chế thị trường để có điều kiện cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Bên hành lang QH, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho hay về nguyên tắc chung, pháp luật về giá là công cụ để nhà nước điều tiết giá. Trong một số trường hợp đặc biệt như có yếu tố độc quyền làm sai lệch quan hệ cung - cầu, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp. Trên cơ sở đó, trong lĩnh vực hàng không, do một số đường bay hiện chỉ có một hãng khai thác nên nhà nước vẫn cần can thiệp thông qua giá trần để tránh hãng bay đưa ra giá quá cao ở một số tuyến độc quyền, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Báo cáo, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu về giá vé máy bay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh mục đích giữ giá trần là để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, từ kinh nghiệm một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ..., cơ quan soạn thảo thống nhất ý kiến với đa số đại biểu về việc bỏ giá sàn vé máy bay. Song song đó, cần quy định giá trần dịch vụ này để bảo đảm việc quản lý của nhà nước và ngược lại, nhà nước cũng luôn quan tâm, chia sẻ với các doanh nghiệp. 

Đề xuất quy định giá trần, giá sàn sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề xuất Chính phủ quy định khung giá sách giáo khoa, gồm giá tối thiểu và tối đa, như đối với các mặt hàng được nhà nước định giá. Đại biểu Thúy cho hay nội dung này đã được bà phát biểu tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XV diễn ra vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong dự thảo mới nhất trình QH tại kỳ họp này, cơ quan chủ trì chỉ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định giá sách giáo khoa tối đa mà không đề cập giá tối thiểu.

Theo chương trình kỳ họp, ngày 24-5, Chính phủ trình bày báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết 43/2022 của QH và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự.