Knight Frank, công ty tư vấn và kinh doanh bất động sản toàn cầu có trụ sở tại London (Anh), mới đây đưa ra Báo cáo tài sản năm 2024, cho thấy mức tài sản mà mọi người cần tích lũy để lọt vào top 1% người giàu nhất tại các quốc gia, Business Insider đưa tin.
Ở mỗi quốc gia, số tài sản tối thiểu cần tích lũy để đứng ở top 1% cũng có sự chênh lệch.
Đứng đầu danh sách do Knight Frank đưa ra là Monaco, bạn cần sở hữu được khối tài sản 12,883 triệu USD. Trong khi đó, người Mỹ chỉ cần một nửa con số đó, tương đương ít nhất 5,8 triệu USD để lọt vào 1% người giàu nhất đất nước.
Monaco đứng đầu trong danh sách tài sản trung bình của top 1% người giàu nhất đất nước. Ảnh: Shutterstock. |
Luxembourg, một quốc gia có diện tích chỉ 2,5 km2 nằm trong lục địa ở Tây Âu, đứng thứ hai danh sách khi mỗi người cần có tài sản 10,8 triệu USD để nằm trong nhóm giàu nhất.
Xếp thứ 3 là Thụy Sĩ, với số tài sản cần tích lũy tương đương 8,5 triệu USD.
Người Singapore cần có hơn 5,2 triệu USD để trở thành 1% người giàu nhất đất nước.
Trong khi đó, con số ở Nhật Bản là 1,9 triệu USD, và ở Trung Quốc đại lục là hơn 1 triệu USD. Hai quốc gia châu Á này lần lượt xếp thứ 16 và 17 của danh sách.
Knight Frank báo cáo rằng giá trị tài sản trung bình của 1% người giàu nhất nước Mỹ đã tăng gần 15% từ mức 5,1 triệu USD của một năm trước. Sự giàu có được Knight Frank đo lường bao gồm các khoản đầu tư, tiền mặt và tài sản như nhà ở.
Tài sản tối thiểu cần có để trở thành 1% người giàu nhất ở nền kinh tế năm 2024. Ảnh: Business Insider. |
Cũng theo báo cáo này, việc lọt vào top 1% giàu nhất đất nước dễ hơn rất nhiều so với việc trở thành cá nhân có giá trị ròng cực cao (UHNWI) mà Knight Frank định nghĩa - có giá trị tài sản ròng ít nhất 30 triệu USD.
Hiện có 627.000 người trên toàn thế giới được xếp vào nhóm UHNWI, tăng thêm 4,2% vào năm 2023. Knight Frank dự đoán tổng số người giàu trên toàn cầu sẽ tăng 28% trong 5 năm tới, nhờ Ấn Độ và Trung Quốc đại lục.
Liam Bailey, người đứng đầu nghiên cứu toàn cầu tại Knight Frank, cho biết trong một thông cáo báo chí: "Triển vọng lãi suất được cải thiện, hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán đã giúp tạo ra sự giàu có trên toàn cầu".
Người Mỹ nhìn chung đang trở nên giàu có hơn. Khảo sát về Tài chính Tiêu dùng của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy từ năm 2019 đến năm 2022, giá trị tài sản ròng trung bình đã tăng lên 192.000 USD. Điều này được thúc đẩy bởi giá nhà và chứng khoán cao hơn, cùng với các biện pháp kích thích của chính phủ trong thời kỳ đại dịch.
Millennials (những người sinh năm 1980-2000) ở Mỹ được dự báo sẽ trở thành thế hệ giàu nhất từ trước đến nay, với khoản chuyển giao tài sản trị giá 90.000 tỷ USD từ thế hệ trước đến thế hệ sau trong vòng hai thập kỷ tới.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.