Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Admin

Chia nhỏ nhiều cữ bú, vệ sinh cơ thể và các vật dụng của con, massage bụng để trẻ nhanh phục hồi khi bị tiêu chảy.

Trong 1-2 ngày đầu sau sinh, trẻ đi tiêu phân su, sau đó chuyển sang màu vàng, mềm. Trẻ sơ sinh bú mẹ đi tiêu ít nhất 3-4 lần, có thể lên đến 10 lần một ngày, phân lỏng vàng. Trẻ bú sữa công thức đi phân đặc khoảng 1-4 lần một ngày. Tùy theo trẻ bú sữa mẹ hay sữa công thức mà phân bài tiết khác nhau. Nếu phụ huynh thấy trẻ đi tiêu nhiều hơn mức bình thường, phân nước, lỏng... có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh.

ThS.BS Lê Thị Hồng Huệ, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết nguyên nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là nhiễm trùng đường tiêu hóa, thường do virus (như Rotavirus), vi khuẩn (như E.coli, Salmonella...) hoặc ký sinh trùng. Ngoài ra, những nguyên nhân không nhiễm trùng cũng cần lưu ý như bất dung nạp lactose, dị ứng đạm sữa bò, rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh, pha sữa công thức sai tỷ lệ, đổi loại sữa đột ngột hoặc do hệ tiêu hóa non yếu chưa thích nghi. Một số loại thuốc điều trị như kháng sinh cũng có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây tiêu chảy. Phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà dưới đây giúp trẻ cải thiện tình trạng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Phụ huynh cho trẻ bú thường xuyên, chia thành nhiều cữ để bù lại nước và dinh dưỡng. Sữa mẹ cung cấp kháng thể và chất dinh dưỡng giúp trẻ dễ hấp thu. Nếu trẻ đang uống sữa công thức, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn đổi sang loại khác phù hợp hơn với hệ tiêu hóa, nhất là khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng hoặc bất dung nạp. Mẹ đang cho con bú cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống, đảm bảo dinh dưỡng, uống nhiều nước, hạn chế thực phẩm có khả năng gây dị ứng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng...

Giữ vệ sinh

Các loại dụng cụ ăn uống, pha sữa, núm vú... của trẻ bị nhiễm khuẩn có thể là nguyên nhân gây tiêu chảy. Vì vậy, người lớn cần làm sạch bằng nước sôi hoặc máy tiệt trùng để đảm bảo an toàn. Người chăm sóc rửa tay sạch trước và sau khi tiếp xúc với trẻ. Tã, nệm nằm, nôi, ga giường... cũng nên được làm sạch, phơi nắng hoặc sấy khô để tránh làm lây nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh. Vệ sinh thân thể cho trẻ, đặc biệt là vùng hậu môn cũng cần được chú trọng để phòng bội nhiễm.

Điều dưỡng chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Điều dưỡng chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Massage bụng hỗ trợ tiêu hóa

Phụ huynh có thể cải thiện tình trạng đau, chướng bụng, đầy hơi, hỗ trợ tiêu hóa cho bé bằng cách xoa bàn tay cho nóng, sau đó áp lên bụng, massage nhẹ nhàng vùng bụng theo chiều kim đồng hồ. Tuy nhiên, người lớn nên thực hiện sau khi bé bú ít nhất 30 phút và quan sát biểu hiện của trẻ để tránh làm trẻ khó chịu.

Không tự ý sử dụng thuốc

Nếu trẻ bị tiêu chảy do dùng kháng sinh lâu ngày, phụ huynh tham khảo ý kiến bác sĩ về việc ngưng hoặc điều chỉnh thuốc. Không tự ý mua thuốc, men tiêu hóa hoặc cho trẻ uống oresol, nước lá, bài thuốc dân gian... khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ bởi có thể khiến bệnh nặng hơn.

Tiêu chảy có thể diễn biến nhanh, khi trẻ có triệu chứng phân lẫn máu, nhầy, nôn ói liên tục, sốt cao, bỏ bú, lừ đừ, mắt trũng, khô môi, tiêu chảy kéo dài trên ba ngày không cải thiện phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế. Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy không điều trị kịp thời có thể gây mất nước, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất. Phát hiện sớm và chăm sóc trẻ đúng cách giúp hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Đình Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp