Bướu giáp lớn chèn ép khí quản

Admin

TP HCMBà Hiền, 70 tuổi, xuất hiện bướu giáp hai năm không điều trị, nay bướu to hơn 8 cm thòng xuống lồng ngực chèn ép khí quản gây khó thở kéo dài, nguy cơ suy hô hấp.

Bà Hiền tiền sử hen suyễn, đau nhức xương khớp. Hai tuần trước khi nhập viện, bà khó thở, ho đờm, được chẩn đoán viêm phổi, cường giáp, bướu giáp nhân, hội chứng Cushing do tự uống thuốc Đông y trị đau nhức xương khớp. Bà điều trị nội khoa 5 ngày, triệu chứng giảm nên xuất viện, một tuần sau khó thở nhiều hơn, ho đờm, ăn uống kém, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.

Ngày 2/10, ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ghi nhận bướu giáp kích thước 8,6x4,8x6,5 cm thòng xuống trung thất (lồng ngực), chèn ép khí quản bệnh nhân. Đoạn khí quản hẹp kéo dài 9 cm, chỗ hẹp nhất 3 mm, trong khi khí quản bình thường dài 15 cm và đường kính khoảng 12 mm. "Đây là nguyên nhân khiến bà Hiền khó thở", bác sĩ Thủy nói, thêm rằng nếu không điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến nhanh có thể gây suy hô hấp, đe dọa tính mạng.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bà Hiền mắc nhiều bệnh cùng lúc. Dấu hiệu hô hấp do bệnh lý viêm phế quản phổi chồng lấp với triệu chứng khó thở do bướu giáp lớn thòng trung thất chèn ép khí quản.

Êkíp điều trị nội khoa tích cực cho bệnh nhân trước nhằm kiểm soát nhiễm trùng, cường giáp. Người bệnh thở oxy, dùng các loại thuốc kháng sinh, kháng giáp, giãn phế quản, dự phòng kỹ thuật lọc huyết tương để ổn định tình trạng cường giáp trước mổ. Bác sĩ chuẩn bị các phương pháp để mổ cắt tuyến giáp.

Bà Hiền còn bị béo phì - triệu chứng điển hình của hội chứng Cushing, cơ địa cổ ngắn, khí quản hẹp nhiều, đặt nội khí quản khó. Để khắc phục, máy tuần hoàn ngoài cơ thể được chuẩn bị sẵn, hỗ trợ hô hấp trong lúc mổ cho người bệnh nếu không đặt được nội khí quản. Bướu giáp lớn thòng xuống lồng ngực của bệnh nhân nên bác sĩ dự trù khả năng mở ngực trong trường hợp không thể lấy bướu giáp từ đường cổ.

Êkíp bác sĩ Gây mê hồi sức bàn bạc cách đặt nội khí quản tốt nhất cho bà Hiền. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Êkíp bác sĩ Gây mê hồi sức bàn bạc cách đặt nội khí quản tốt nhất cho bà Hiền. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ đặt thành công nội khí quản, thông khí hai phổi tốt nên không cần chạy máy tim phổi nhân tạo. Êkíp mở đường mổ ở cổ, bóc tách bướu giáp thòng, lấy lên được khỏi trung thất, không cần chẻ xương ức, nhờ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng xương ức. Khí quản được giải phóng, cải thiện mức độ hẹp.

Sau mổ, bà Hiền được lưu ống nội khí quản để đảm bảo hô hấp tốt, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Bà xuất viện sau một tuần.

Các bác sĩ Ngoại Tim mạch - Lồng ngực mở đường cổ, cắt trọn bướu giáp lớn cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Các bác sĩ Ngoại Tim mạch - Lồng ngực mở đường cổ, cắt trọn bướu giáp lớn cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Thủy cho biết bướu cổ thòng trung thất (bướu cổ dưới xương ức) là tình trạng u tuyến giáp phát triển phía dưới, đi qua lỗ ngực vào khoang ngực. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai thùy tuyến giáp, chèn ép khí quản, dính vào thực quản, mạch máu... Bệnh thường được phát hiện muộn sau 50 tuổi, tỷ lệ gặp ở nữ gấp 4 lần nam giới.

Người bệnh thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi u lớn thu hẹp đường thở gây khó thở, thở rít. Tuy nhiên, các dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp. Nếu không được chụp X-quang hay CT ngực phổi, người bệnh khó phát hiện khối u.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây bướu cổ là thiếu iốt. Phòng ngừa bệnh bằng cách bổ sung đủ lượng iốt hàng ngày từ các thực phẩm như cá, sữa, muối ăn giàu iốt. Khám sức khỏe định kỳ giúp đánh giá chức năng tuyến giáp.

Thu Hà

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp