Bộ Y tế yêu cầu giải trình rõ ràng lý do đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y

Admin

Việc 4 trường đại học ngoài công lập sử dụng môn Văn để xét tuyển vào ngành Y đang khiến dư luận xôn xao. Về vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng các trường cần có lý giải thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn để cho thấy sự cần thiết của xét tuyển ngành Y bằng môn Văn.

Cụ thể mới đây 4 trường dùng môn Văn xét tuyển gồm: Trường ĐH Văn Lang (TP HCM) với tổ hợp học bạ D12 (Văn, Hóa, Anh); Trường ĐH Duy Tân có tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Văn) khi xét kết quả thi tốt nghiệp; Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang). Ngoài ra, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) thêm tổ hợp khối B03 (Toán, Văn, Sinh) khi xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

PGS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định cơ sở giáo dục đại học được quyền quyết định phương thức tuyển sinh.

Điểm b Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã quy định: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”.

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, Khoản 1, Điều 3 quy định: “Cơ sở đào tạo thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Điều 6 của Thông tư này có quy định tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, không sử dụng quá 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, một chương trình đào tạo; việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý.

"Việc đưa môn Văn vào xét tuyển đầu đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe thuộc quyền hạn của các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên nếu đưa môn Văn vào thì sẽ bỏ môn khác đi (Toán, Lí, Hoá, Sinh). Vậy có cơ sở khoa học nào cho rằng Văn sẽ quan trọng hơn môn phải bỏ ra không? Các cơ sở đào tạo cần có căn cứ khoa học và thực tiễn", PGS.TS Nguyễn Hoàng Long băn khoăn.

Ông Long cho biết thêm Khoản 5, Điều 6 Thông tư quy định: “Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hằng năm”.

TS Nguyễn Hoàng Long phân tích: “Lĩnh vực sức khỏe cơ bản là khoa học tự nhiên, cần tư duy logic, khả năng phân tích nhanh, đánh giá chính xác. Hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe trong những năm qua sử dụng tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) và A00 (Toán, Hóa, Lí), ngoài ra còn có A02 (Toán, Lí, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), D08 (Toán, Sinh, Anh)... Do đó, Toán, Hóa, Sinh, Lí là những môn học rất quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực sức khỏe".

Ông Long đồng thời thông tin, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kĩ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lí lâm sàng, do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện. Dự kiến hình thức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề bằng thi trắc nghiệm trên máy tính thông qua bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia ban hành.

Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cho hay, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối quản lí về giáo dục đại học, trong đó có cả giáo dục đại học cho lĩnh vực sức khỏe. Bộ Y tế không quản lí đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra của bậc đào tạo đại học.

Ông Long cho hay, về vấn đề này, Bộ Y tế có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, các cơ sở đào tạo cần có phân tích, giải trình rõ ràng, thuyết phục về căn cứ khoa học, thực tiễn về sự cần thiết, lý do phải đưa môn Văn vào xét tuyển đào tạo đại học lĩnh vực sức khỏe, trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm theo đúng yêu cầu của Thông tư 8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, việc xem xét cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đưa môn Văn vào xét tuyển phải được phân tích cho từng mã ngành cụ thể của lĩnh vực sức khỏe.

Thứ ba, các cơ sở đào tạo cần cân nhắc đến quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với một số chức danh, đặc biệt là về nội dung và hình thức kiểm tra (trắc nghiệm) để xem xét việc đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.

Thứ tư, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và trước thực tiễn về việc chọn môn Văn vào tổ hợp xét tuyển.