Bộ Công Thương hỏa tốc kiểm tra sau liên tiếp các vụ sữa giả, thuốc giả bị phát hiện

Admin

Bộ Công Thương yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Trong Công điện hỏa tốc số 2755 ngày 18-4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc về công tác phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ Công Thương hỏa tốc kiểm tra sau liên tiếp các vụ sữa giả, thuốc giả bị phát hiện- Ảnh 1.

Một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp kiểm tra, phát hiện một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, quảng cáo, phân phối nhiều loại sữa giả; thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả tại một số địa phương.

Đáng lưu ý, hoạt động sản xuất, buôn bán các loại hàng giả này đã kéo dài nhiều năm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng có hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Bộ trưởng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương thực hiện việc hậu kiểm về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ.

Xây dựng kế hoạch hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm, hậu kiểm việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phát ngôn, quảng cáo sai sự thật, đặc biệt đối với những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Mới đây, như Báo Người Lao Động đã thông tin, một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 nhãn hiệu các loại đã bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỉ đồng.

Tiếp đó, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ, khởi tố 14 đối tượng và tiếp tục điều tra, mở rộng.

Nhiều loại thuốc giả vừa bị phát hiện được quảng cáo điều trị xương khớp và gắn mác các công ty nước ngoài ở Malaysia, Singapore...