Trật khớp háng xảy ra khi chỏm xương đùi bị trật ra khỏi ổ cối, gây đau cấp tính dữ dội, làm tê liệt chân cho đến khi được nắn trật. ThS.BS.CKI Lê Nhật Thành, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, cho biết trật khớp háng có thể gây tổn thương thứ cấp ở mạch máu, dây thần kinh, dây chằng và mô xung quanh. Các tổn thương này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, làm suy giảm khả năng vận động của người bệnh, thậm chí tàn phế.
Một số biến chứng nguy hiểm của trật khớp háng bao gồm:
Chấn thương thần kinh tọa xảy ra khi trật khớp háng gây chèn ép, làm căng dây thần kinh tọa, đau. Đây là dây thần kinh lớn nhất cơ thể, chi phối hoạt động toàn bộ phần chi dưới, xuất phát từ phần lưng dưới qua hông, xuống chân và phân nhánh vào bàn chân, ngón chân. Vì vậy, dây thần kinh này bị tổn thương nặng có thể làm liệt toàn bộ chân bên bị tổn thương.
Hoại tử chỏm xương đùi là một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất của trật khớp háng. Biến chứng này có thể làm tổn thương mạch máu nuôi xương vùng chỏm, gây chết mô xương và phá hủy cấu trúc xương. Theo thời gian, tổn thương ngày càng nặng hơn, khớp háng dần mất chức năng khiến người bệnh không đi lại được. Lúc này, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.
Thoái hóa khớp háng do trật khớp háng có thể làm hỏng lớp sụn trong ổ cối và sụn viền bao quanh khớp. Người bị thoái hóa khớp háng khả năng cao phải thay khớp trong tương lai.
Chênh lệch chiều dài chi ảnh hưởng đến chức năng và dáng đi, thường gặp ở các trường hợp không điều trị do trật khớp háng bẩm sinh.
Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau như nắn trật hoặc phẫu thuật. Nắn trật khớp háng thường được chỉ định cho những trường hợp chưa từng thay khớp háng. "Theo các nghiên cứu, nắn trật khớp háng trễ, sau 12 giờ kể từ lúc xảy ra chấn thương, làm tăng nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi trong tương lai lên gần 6 lần", bác sĩ Thành nói.
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp nắn kín thất bại, chụp phim cho thấy có mảnh gãy xương lớn trong mặt khớp, người từng thay khớp háng nhân tạo...
Bác sĩ Thành cho biết thông thường đối với trật khớp háng đơn giản (không kèm gãy xương), khớp vững sau nắn trật, người bệnh vẫn phải chống chân chịu lực có bảo vệ theo hướng dẫn của bác sĩ, tập phục hồi chức năng trong 4-6 tuần.
Trường hợp phức tạp (kèm gãy xương), khớp háng dễ bị trật lại sau khi nắn, người bệnh có thể phải phẫu thuật để làm vững khớp háng. Do đó, thời gian phục hồi chậm hơn, có thể kéo dài 3-6 tháng khi lành xương. Do có nguy cơ cao hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp trong tương lai, người bệnh phải tái khám định kỳ trong khoảng hai năm hoặc lâu hơn.
Bác sĩ Thành khuyến cáo ngay khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ trật khớp háng như đau dữ dội ở vùng bẹn, xương chậu; chân không có khả năng chịu lực, không có khả năng di chuyển; mất cảm giác ở hông hoặc bàn chân; co thắt cơ bắp; sưng hoặc đổi màu vùng háng; biến dạng khớp háng và vùng hông có dấu hiệu bị lệch..., người bệnh không nên tự di chuyển và cần được đưa đến bệnh viện để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Phi Hồng