Bí kíp chuyển đổi số ngành dịch vụ: Các doanh nghiệp chia sẻ gì tại Vietnam Industry Summit 4.0?

Admin

Tại phiên thảo luận chuyên đề 4 của Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 với chủ đề Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh ngành dịch vụ, ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam nhấn mạnh, việc luôn cố gắng bám sát thực tiễn là bí quyết giúp doanh nghiệp này định vị được những cơ hội mới và dự đoán được thị trường có thể sẽ thay đổi theo xu hướng nào.

Phiên thảo luận chuyên đề 4 của Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 được điều phối bởi ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy (VUSTA), với ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện ngân hàng và doanh nghiệp.

Liên quan đến nguồn lực cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Giám đốc VUSTA chia sẻ, khi tư vấn các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước, ông thường xuyên gặp trường hợp lãnh đạo không “dám ký duyệt số lớn” . Các doanh nghiệp này thường đưa khoản chi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào danh mục mua sắm thường xuyên để dễ chi. Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa đánh giá, việc này khiến chiến lược chuyển đổi số sẽ trở thành một cái áo vá rất khó thành công.

Giải đáp vấn đề trên, ông Vương Thành Long Giám đốc Ban khách hàng của BIDV thừa nhận, đặc điểm chung của các dự án xanh là vốn lớn, bên cạnh đó yêu cầu vốn đầu tư cao và dài hạn. Ông Long cho biết, với đặc điểm của các dự án xanh như vậy việc trông mong vào nguồn vốn nội tại của doanh nghiệp là khó.

Đại diện của BIDV cho rằng, để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp cần chủ động huy động cả nguồn vốn trong và ngoài nước, bản thân BIDV cũng đang tích cực đề xuất các chính sách để khuyến khích phát triển xanh. BIDV cũng đang làm việc với các định chế tài chính nước ngoài để tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp ở Việt Nam, BIDV thậm chí còn đứng ra bảo lãnh để các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể vay được của các thể chế tài chính.

Được hỏi về kinh nghiệm để luôn đi đầu trong một thị trường cạnh tranh như dịch vụ gọi xe, ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam chia sẻ, điều quan trọng là Grab luôn cố gắng bám sát thực tiễn . Cả ông và đội ngũ luôn cố gắng dành thời gian tương tác, cố gắng thấu hiểu những khó khăn, thách thức của các đối tác tài xế, các đối tác cửa hàng, để hiểu những vấn đề họ đang gặp phải khi hoạt động trên nền tảng, và cả những thách thức mà Grab vẫn chưa kịp giải quyết được cho họ.

“Chúng tôi cố gắng tìm ra những thách thức đó, dùng chính điều đó để định vị ra những có hội mới để tập trung vào” - lãnh đạo này chia sẻ. “Và tập trung vào thực tiễn sẽ giúp chúng tôi dự đoán được thị trường có thể sẽ thay đổi theo xu hướng nào”.

Một ví dụ mà CEO này đưa ra là Grab đã sớm dự báo tình hình kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng đến sức mua, và nhanh chóng chuyển hướng các nỗ lực vào việc mang đến những dịch vụ có giá tiết kiệm và mang thêm nhiều giá trị cộng thêm đến cho người dùng. Đây là một chiến lược quan trọng để ứng dụng này không chỉ thu hút thêm người dùng mà còn tăng cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế và đối tác cửa hàng.

“Một điều nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là hệ sinh thái. Đối tác tài xế của chúng tôi trước chỉ chạy một dịch vụ duy nhất, nhưng qua thời gian, giờ một đối tác tài xế có thể hoạt động tới 4 dịch vụ khác nhau. Với tài xế, điều đó nghĩa là đối tác tài xế có thể tăng hiệu quả hoạt động, tăng thêm thu nhập, với người dùng, họ có thể sử dụng thêm nhiều dịch vụ hơn, với Grab, nền tảng của chúng tôi trở nên tối ưu và hiệu quả hơn” - CEO Grab Việt Nam chia sẻ.

Tại sự kiện, đại diện Grab Việt Nam cũng đưa ra một số đề xuất đối với các cơ quan chức năng. Ông Alejandro nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công sẽ rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có liên quan, do đó các chính sách, dự thảo nên được liên tục xem xét và cập nhật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Đồng quan điểm với đại diện của Grab, ông Kelvin Utomo, Giám đốc Sản phẩm và Giải pháp, Visa Việt Nam và Lào cũng cho rằng, để Việt Nam chuyển đổi số thành công, Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng để xúc tác cho cuộc hành trình này.

Đại diện Visa nhấn mạnh vai trò của việc thay đổi hành vi người dùng trong chuyển đổi số. Ông Kelvin đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng để phát triển về thanh toán không chạm, và trong tương lai, mọi người hoàn toàn có thể thanh toán mà không cần đến thẻ, chỉ cần một chiếc đồng hồ, hay một thiết bị di động. Tuy nhiên điều này đứng trước nhiều thách thức, liên quan nhiều đến tâm lý người dùng, đặc biệt liên quan đến vấn đề an toàn.

Giám đốc này lấy ví dụ, ở Việt Nam hiện nay, với bất cứ giao dịch thương mại điện tử nào, người dùng cũng đang quen với việc sử dụng mã OTP vì thấy an toàn, dù đây không phải là công nghệ mới, đã xuất hiện từ cách đây 10 năm. Tuy nhiên, trong tương lai thậm chí các giao dịch có thể sẽ không cần đến mã OTP, và thách thức của các công ty như Visa là làm sao khiến người dùng thích ứng với sự tiện lợi mà vẫn cảm thấy an toàn khi giao dịch điện tử.