Bé gái bị viêm tụy

Admin

Hà NộiBé Lan, 12 tuổi, đau bụng kéo dài tưởng rối loạn tiêu hóa song uống thuốc không cải thiện, bác sĩ phát hiện có sỏi ở ống tụy gây viêm.

Mẹ của bé từng bị viêm tụy mạn phải phẫu thuật. Ngày 15/10, ThS.BS Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho rằng bệnh nhi có thể bị viêm tụy do sỏi tương tự người mẹ. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy ống tụy của bé giãn, nhu mô tụy nhỏ - biểu hiện viêm nhiều đợt và tái phát nhiều lần. "Bệnh nhi suy dinh dưỡng do viêm tụy cấp, là ca đầu tiên bệnh viện tiếp nhận", bác sĩ Tiến nói.

Bác sĩ chỉ định siêu âm nội soi (Endoscopic Utrasound - EUS) để tiếp cận vị trí ống tụy, đánh giá nguyên nhân tắc nghẽn bất thường giải phẫu hay do sỏi. Kỹ thuật chuyên sâu này có vai trò chẩn đoán, đầu dò siêu âm kết hợp với ống nội soi được đưa sát xuống vị trí tụy như đầu, thân, phóng đại hình ảnh ống tụy và nhu mô tụy gấp 20 lần. Kết quả cho thấy nhiều sỏi nhỏ kích thước vài milimet kết dính thành viên sỏi lớn ở vùng đầu tụy của bệnh nhân. Các viên sỏi mới hình thành, nhỏ, không có cản âm cản quang nên siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ thường rất khó phát hiện. Đây là lý do bệnh nhân đi khám nhiều nơi được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa.

Bác sĩ Tiến tư vấn cho người bệnh sau nội soi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tiến tư vấn cho người bệnh sau nội soi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Viêm tụy ở người lớn chủ yếu do lạm dụng rượu bia, sỏi mật. Ở trẻ em, nguyên nhân thường khó xác định, có thể do nhiều yếu tố nguy cơ như bệnh di truyền, bất thường về gene, bệnh lý tự miễn, bất thường bẩm sinh về mặt cấu trúc của cơ quan này... Xác định đúng nguyên nhân để giải quyết tận gốc, tăng hiệu quả điều trị bệnh và phòng ngừa tái phát.

Theo bác sĩ Tiến, trường hợp của Lan, các viên sỏi nhỏ trong nhu mô tụy có thể là yếu tố gây viêm nhiều đợt và tăng men tụy kéo dài. Lấy sỏi có thể giảm tình trạng đau, hạn chế tái phát viêm.

Bệnh nhi được lấy sỏi bằng phương pháp nội soi tụy ngược dòng ít xâm lấn, hết đau bụng ngay sau can thiệp. Sau một ngày, bé tập ăn, xuất viện. Sau hai tuần, chỉ số men tụy trở về bình thường, bé không còn đau bụng, bắt đầu tăng cân.

Bác sĩ Tiến (hình giữa) nội soi ngược dòng lấy sỏi tụy cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tiến (hình giữa) nội soi ngược dòng lấy sỏi tụy cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Tiến cho biết nội soi tụy ngược dòng là một trong những kỹ thuật phức tạp, có độ khó cao. Kỹ thuật gây mê và nội soi thực hiện trên trẻ nhỏ khó hơn, bởi giải phẫu ống tụy rất nhỏ (đường kính 2-3 mm). Do đó, điều trị tắc nghẽn này cần êkíp có chuyên môn sâu, thiết bị hiện đại.

Viêm tụy cấp tái diễn và mạn tính là bệnh lý thường gặp. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm gene, tắc nghẽn, ngộ độc, rối loạn chuyển hóa, bệnh tự miễn. Sau nội soi lấy sỏi tụy, người bệnh cần làm xét nghiệm gene di truyền để xác định nguyên nhân bệnh, khám định kỳ, có phác đồ điều trị hiệu quả, kịp thời. Ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Lục Bảo

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp