Bảo tồn thị lực bé gái sinh non nặng 700 g

Admin

TP HCMBé An, nặng 700 g, mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) nguy cơ mù, được bác sĩ nuôi sống và điều trị bảo tồn thị lực.

Ngày 12/4, BS.CKII Lê Tố Như, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mạch máu ở vùng võng mạc của trẻ sinh non chưa hoàn thiện. Khi trẻ mắc bệnh ROP, mạch máu mới tăng sinh bất thường tạo thành tổ chức xơ mạch, gây co kéo nhãn cầu dẫn tới bong võng mạc, hậu quả làm suy giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn. Bệnh này có thể xảy ra ở 10% trẻ sinh non.

Bé An là một trong đôi song sinh chào đời khi 27 tuần thai, nặng 700 g, bé còn lại nặng 1 kg. Bé An gặp nhiều vấn đề sức khỏe như suy hô hấp, giãn nhẹ đài bể thận hai bên, thông liên nhĩ (bệnh tim mạch), trào ngược dịch dạ dày.

Êkíp Sơ sinh đặt máy thở hỗ trợ hô hấp, nuôi dưỡng bé qua đường tĩnh mạch, đảm bảo dinh dưỡng để phát triển. Bé đáp ứng tốt, sức khỏe cải thiện dần theo hướng tích cực, song vẫn còn nhiều nguy cơ, trong đó bệnh ROP có thể phát triển ở tuần thứ 3-4 sau sinh.

Tuần thứ 4 sau sinh, các bác sĩ Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh kiểm tra ghi nhận bé An mắc bệnh ROP cả hai mắt, mạch máu võng mạc phát triển kém, có dải xơ và tăng sinh tân mạch. Sau 6 tuần theo dõi liên tục, tình trạng ROP ở mắt trái của bé An tiến triển nặng lên, các bác sĩ mắt hội chẩn và quyết định điều trị bằng tiêm thuốc nội nhãn để hạn chế quá trình tăng sinh tân mạch và xơ võng mạc, giảm nguy cơ gây bong võng mạc.

Kiểm tra sàng lọc bệnh lý mắt với máy Phoenix ICON cho trẻ sinh non. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Kiểm tra sàng lọc bệnh lý mắt với máy Phoenix ICON cho trẻ sinh non. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Hai tuần sau tiêm bé An được chụp kiểm tra lại tình trạng đáy mắt, lúc này tình trạng bệnh ROP thoái triển, không còn tăng sinh xơ, mạch máu võng mạc đã phát triển bình thường. Song song với đó sức khỏe của bé cải thiện rõ rệt, tăng cân tốt, có thể bú mẹ, không cần dùng máy thở.

Sau hơn ba tháng chăm sóc tích cực, bé đủ điều kiện xuất viện, tiếp tục theo dõi ROP định kỳ hai tuần mỗi lần. Bé tiếp tục được theo dõi định kỳ và hai tháng sau khi tiêm nội nhãn, bệnh ROP đã thoái triển hoàn toàn.

Trẻ sơ sinh, nhất là trường hợp sinh non, cần sàng lọc nhiều bệnh lý bẩm sinh thông qua xét nghiệm máu gót chân, khám thính lực, kiểm tra tim bẩm sinh và tầm soát bệnh lý nhãn khoa sau sinh. Tầm soát sớm bệnh lý mắt được khuyến cáo ở trẻ sinh trước 33 tuần tuổi, cân nặng thấp dưới 1,8 kg. Trẻ sơ sinh có các yếu tố nguy cơ như viêm phổi, suy hô hấp, thở oxy kéo dài, nhiễm trùng, thiếu máu... cũng nên khám sàng lọc bệnh mắt.

Bác sĩ chăm sóc trẻ sinh non trong lồng ấp chuyên dụng. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ chăm sóc trẻ sinh non trong lồng ấp chuyên dụng. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh, cho biết quá trình khám sàng lọc nhãn khoa sau sinh sử dụng phương pháp kiểm tra truyền thống dùng đèn soi đáy mắt. Hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ, không thể ghi lại hình ảnh và không hỗ trợ hội chẩn đối với các trường hợp nặng. Hiện nay có nhiều công nghệ như máy Phoenix ICON giúp kiểm tra sàng lọc nhiều bệnh lý mắt như ROP, đục thủy tinh thể, glocom... Hình ảnh chụp chất lượng cao hỗ trợ bác sĩ quan sát rõ, phát hiện sớm các bất thường bệnh lý, từ đó can thiệp kịp thời nhằm đảo đảm bảo thị lực cho trẻ.

Khuê Lâm

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp