![]() |
Một tiết học ở huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Tiền Phong. |
Ngày 18/4, Bảo hiểm xã hội khu vực VII cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo Bảo hiểm xã hội liên huyện Thanh Chương (Nam Đàn) thành lập tổ công tác rà soát toàn bộ việc truy thu bảo hiểm tại các trường học trên địa bàn.
Theo đó, tổ công tác có nhiệm vụ đối chiếu hồ sơ truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các trường hợp được xếp lại bậc lương theo Hướng dẫn liên ngành số 884/HDLN ngày 29/6/2007.
Đồng thời làm rõ khoản kinh phí hơn 331 triệu đồng được ghi nhận tại biên bản làm việc ngày 15/5/2012 giữa các phòng chuyên môn của huyện Nam Đàn và Bảo hiểm xã hội huyện. Xác định rõ Bảo hiểm xã hội huyện Nam Đàn đã thu khoản truy đóng từ trường nào, thu cho giáo viên nào, trong khoảng thời gian nào... Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, tổ công tác cần báo cáo ngay Bảo hiểm xã hội khu vực VII để xử lý.
UBND huyện Nam Đàn cũng đang phối hợp với các phòng, ban chức năng và Bảo hiểm xã hội huyện tiếp tục rà soát hồ sơ, xác minh từng trường hợp để có hướng xử lý phù hợp, tránh gây thiệt thòi cho người lao động và đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện chính sách bảo hiểm.
Như đã đưa tin, trong quá trình rà soát hồ sơ nghỉ hưu cho một số giáo viên, Bảo hiểm xã hội huyện Nam Đàn phát hiện 311 trường hợp chưa đóng phần chênh lệch bảo hiểm, với tổng số tiền phát sinh truy thu gần 4,6 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 3, Bảo hiểm xã hội huyện Nam Đàn tiếp tục rà soát, phát hiện thêm 141 giáo viên, nhân viên trường học đang nợ tiền bảo hiểm.
Nguyên nhân được xác định do giai đoạn trước năm 2006, UBND huyện Nam Đàn ký hợp đồng lao động cho các giáo viên, nhân viên với mức lương cố định, chưa áp dụng đầy đủ chế độ bảo hiểm.
Sau đó, theo Quyết định 3434/UBND-VX ngày 26/6/2006 của UBND tỉnh Nghệ An và Hướng dẫn liên ngành số 884/HDLN ngày 29/6/2007, các đối tượng này được chuyển xếp lương mới, dẫn tới phát sinh phần chênh lệch bảo hiểm chưa đóng.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.