Bàn các giải pháp 'Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt'

Admin

Chiều 14/6, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Napas, Sở Công thương TPHCM và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”.

Đông đảo khách mời tham dự hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tham dự có các đồng chí: Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;…

Lãnh đạo TPHCM có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng; Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải,…

Triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy không dùng tiền mặt

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ cho biết, Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt” tổ chức từ năm 2016, đến nay đã bước sang năm thứ 6.

Theo đồng chí Lê Thế Chữ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thanh toán không tiền mặt là những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngày càng tinh vi, ăn theo những tiện ích của không tiền mặt. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng. Vấn đề an ninh, an toàn được rất nhiều bạn đọc phản ánh về báo Tuổi Trẻ, cùng với việc ủng hộ thanh toán không tiền mặt thì mong muốn giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tốt hơn an ninh, an toàn khi người dân kích hoạt phương thức thanh toán không tiền mặt sau mở tài khoản đang là nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, ban tổ chức đã quyết định chọn chủ đề chương trình Ngày không tiền mặt 2024 là “Thúc đẩy phát triển giao dịch không tiền mặt an toàn”, nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch, thanh toán không tiền mặt của người dân vừa tiện lợi vừa an toàn.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, Ngày không tiền mặt đã góp phần thúc đẩy Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt của TP. Tại TPHCM, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, TP đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch không tiền mặt. Lãnh đạo TPHCM xác định giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và từ năm 2020 đến nay, TP đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này. Đến nay, 100% bệnh viện công của TP đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại TP đều tham gia thanh toán không tiền mặt. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến thanh toán không tiền mặt.

Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, thanh toán không tiền mặt là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện chủ đề 2024 của TPHCM là thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98. Đồng chí cũng nêu một số biện pháp để vừa đảm tăng trưởng các giao dịch không tiền mặt vừa hạn chế rủi ro, nâng cao nhận thức về bảo mật, an toàn cho người dân. Theo đó, TP sẽ tiếp tục bổ sung hoàn thiện các cơ sở pháp lý để triển khai, cập nhật các vấn đề phát sinh để bổ sung, hoàn thiện các giao dịch không tiền mặt đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật, thực tiễn và xu hướng phát triển trên thế giới. Đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán điện tử hiện đại, bảo mật, tạo điều kiện phổ cập các hình thức thanh toán điện tử, thanh toán không tiền mặt đến các hộ kinh doanh, cửa hàng trên địa bàn. Phát triển các dịch vụ thanh toán đa dạng, mã hóa dữ liệu, phân tích những rủi ro để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đưa yêu cầu giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt là một nhóm giải pháp bắt buộc trong các sự kiện, lễ hội. Trong đó, đưa thanh toán không tiền mặt thành tiêu chí để triển khai phát triển Đề án Phát triển kinh tế ban đêm. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giao dịch không dùng tiền mặt cho người dân, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và an toàn của giao dịch không tiền mặt…

Phát triển các công cụ thanh toán hiện đại để tăng tiện ích

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt đối với đời sống xã hội trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính.

Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước đang không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả, đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Năm 2023, tỷ lệ thu - chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu - chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. Đồng thời nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng liên thông; đẩy mạnh thu, chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt;…

Ngành tài chính đã chỉ đạo tổ chức giám sát an toàn an ninh mạng 24/7 để phát hiện và xử lý sớm các cuộc tấn công mạng. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh hệ thống thông tin trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ trong quá trình sử dụng. Kết nối, chia sẻ thông tin mã độc và thông tin giám sát an toàn thông tin mạng với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; chuẩn bị kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an ninh mạng với Trung tâm an ninh mạng quốc gia thuộc Bộ Công an.

Mặt khác, ngân hàng đẩy mạnh phát triển các công cụ thanh toán hiện đại để tăng tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là các tiện ích trên thiết bị di động nhằm khuyến khích người sử dụng tự nguyện chuyển sang thanh toán không tiền mặt.

Hội thảo được tổ chức thành hai phiên chính. Trong đó, phiên 1 có chủ đề “Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng”. Các tham luận tập trung vào các nội dung: Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt; Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa; Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Phiên 2 có chủ đề “Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân”. Xoay quanh nội dung về ứng dụng AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến, giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng - Ngân hàng đã triển khai Quyết định 2345 /QĐ-NHN của NHNN như thế nào?

Ngay sau hội thảo, sẽ khai mạc Lễ hội Ngày không tiền mặt 2024, chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2024, chào đón người dân, du khách đến trải nghiệm lễ hội tưng bừng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Thùy Dương