Bác sĩ gây mê - những 'người hùng' bị bỏ quên

Admin

Trung QuốcBác sĩ gây mê đóng vai trò quan trọng, được ví như những người hùng thầm lặng dưới ánh sáng, song họ đang bị bỏ quên bởi mức thu nhập thấp, cường độ làm việc căng thẳng.

Đưa bệnh nhân trở lại phòng sau ca mổ, bác sĩ gây mê Trương Huệ Nhàn tình cờ nghe được lời khen của gia đình người bệnh với bác sĩ phẫu thuật. Họ cho biết ca mổ đã thành công, bệnh nhân không đau đớn chút nào. 22 năm làm việc tại khoa gây mê của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc, tình huống này lặp lại nhiều lần. Cô tin rằng hầu hết người bệnh và gia đình không thực sự biết đến vai trò quan trọng của bác sĩ gây mê trong toàn bộ quá trình điều trị. Họ được coi là "những người hùng thầm lặng dưới ánh sáng". Cộng đồng gây mê có câu: "Phẫu thuật trị bệnh, gây mê bảo vệ mạng sống. Chỉ có tiểu phẫu, không có tiểu gây mê".

Hồi chuông từ các ca bác sỹ gây mê đột tử

Theo bác sĩ Dương Hòa, công tác 10 năm tại khoa gây mê Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc, bác sĩ gây mê là "cửa ải" cuối cùng quyết định ca mổ có thể tiến hành hay không. Họ phải đánh giá tình trạng bệnh nhân, điều chỉnh thuốc, theo dõi người bệnh trong và sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, trước nhu cầu gây mê ngày càng tăng, các bác sĩ của lĩnh vực này rơi vào tình thế không được quan tâm, thiếu sự công nhận. Những năm gần đây, hàng loạt ca tử vong đột ngột thu hút sự chú ý của giới y khoa và cả dư luận Trung Quốc.

Tháng 11/2019, Giang Kim Kiện, bác sĩ gây mê 30 tuổi tại Bệnh viện Thụy Kim của Thượng Hải đã chết vì ngưng tim. 4 tháng sau, bác sĩ gây mê Đổng Thiên, 29 tuổi, tử vong vì đột quỵ. Đến tháng 4/2022, bác sĩ Phan Truyền Long, 34 tuổi, qua đời khi đang làm nhiệm vụ ở tỉnh Quảng Đông. Gầy đây nhất, tháng 1/2024, bác sĩ Chu Tường, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện trực thuộc Đại học Nam Thông, đột tử do ngưng tim. Sự ra đi của ông như giọt nước tràn ly, khiến cộng đồng một lần nữa lo ngại về tình trạng sức khỏe của bác sĩ gây mê, đặc biệt là tuyến cơ sở.

Bác sĩ gây mê đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các dịch vụ như nội soi tiêu hóa không đau, sinh không đau. Nghiên cứu cho thấy, từ năm 2015 đến 2017, khối lượng công việc của bác sĩ gây mê tăng hơn 10% mỗi năm, đạt 51 triệu ca bệnh vào năm 2017. Trong khi đó, số lượng bác sĩ gây mê chỉ tăng 5,97%.

"Khoa gây mê là nền tảng, nâng đỡ các khoa khác như ngoại khoa, chỉnh hình. Nó giống như tàu sân bay, còn các khoa khác là đơn vị chiến đấu. Bệnh viện thường ưu tiên hỗ trợ đơn vị chiến đấu hơn là nền tảng", ông Lương Văn, Trưởng khoa Gây mê một bệnh viện hạng hai ở Thanh Hải, ví von. Ông nhận định, bị "bỏ quên" là tình trạng chung của khoa gây mê ở các bệnh viện tuyến cơ sở.

Một bác sĩ gây mê đang làm nhiệm vụ tại phòng phẫu thuật. Ảnh: Paper

Một bác sĩ gây mê đang làm nhiệm vụ tại phòng phẫu thuật. Ảnh: Paper

Khoa quan trọng bị "bỏ quên"

Bệnh viện công của Trung Quốc được chia thành ba cấp, trong đó cấp ba là cao nhất. Mỗi cấp được chia thành ba hạng, A, B và C theo các cơ quan y tế khu vực. Cấp và hạng càng cao, bệnh viện càng tiên tiến, có nhiều trang thiết bị tốt. Tình trạng thiếu hụt bác sĩ gây mê và đãi ngộ không công bằng thường xảy ra ở những bệnh viện cấp thấp.

Khoa gây mê của bác sĩ Dương Hòa trước đây chỉ có 3-4 người, thường xuyên chịu áp lực thiếu nhân sự. Khoa của bác sĩ Lương Văn có 4 người, phải thay phiên nhau nghỉ phép.

Vấn đề này đã tồn tại từ lâu. Khoa gây mê từng là khoa "ngoại vi". Bệnh viện của bác sĩ Trương Huệ Nhàn xếp khoa gây mê ngang hàng với khoa kỹ thuật, song đãi ngộ thấp hơn. Dù vậy, khoa kỹ thuật không được đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Trong khi đó, nhiệm vụ cấp cứu ngoại trú đôi khi do khoa gây mê thực hiện.

Từ năm 1989, Bộ Y tế đã có văn bản chuyển khoa gây mê thành khoa lâm sàng. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, chưa đến 40% bệnh viện hạng hai có khoa gây mê độc lập, con số này ở các bệnh viện hạng một thậm chí còn thấp hơn, chỉ khoảng 25%.

"Trước đây, bác sĩ phẫu thuật hoặc thậm chí y tá kiêm nhiệm gây mê, vì bệnh viện cho rằng gây mê không quan trọng", bác sĩ Dương Hòa cho biết.

Vì thiếu bác sĩ gây mê, các bác sĩ từ khoa lâm sàng khác được đào tạo để làm điều này. Tất cả bác sĩ trong khoa của ông, trừ lãnh đạo, đều được chuyển từ chuyên ngành lâm sàng sang.

Tiến sĩ Lưu Xuân Nguyên, Phó khoa Gây mê Bệnh viện Nhân dân quận Lương Bình, Trùng Khánh, cho biết đến cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 mới bắt đầu có sinh viên đại học chuyên ngành gây mê. Do vị thế bác sĩ gây mê chưa cao, bệnh viện tuyến cơ sở thiếu trang thiết bị, cơ hội học tập. Vì vậy, trình độ chuyên môn của bác sĩ gây mê còn kém xa so với bệnh viện lớn, thậm chí không đồng đều trong cùng một bệnh viện. Báo cáo cho thấy, phần lớn bác sĩ gây mê được đào tạo bài bản tập trung ở bệnh viện hạng ba.

Ngoài hạn chế về chuyên môn và thiếu nhân sự, khoa gây mê thường xuyên đứng cuối bảng về hiệu suất công việc. Bác sĩ Dương Hòa giải thích, hiệu suất của khoa được tính theo tỷ lệ hoàn thành khối lượng công việc, chiếm 30%-50% tổng lương. Khoa gây mê không có phòng khám, trong khi đó, các khoa lâm sàng có thể tiếp nhận bệnh nhân. Như vậy, họ phải "phụ thuộc" vào các khoa khác để tăng khối lượng công việc.

Bác sĩ Lương Văn cho biết, khoa gây mê không tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp, trong khi phải chịu nhiều chi phí hơn. Tại bệnh viện của ông, vật tư tiêu hao cho phẫu thuật do phòng mổ, tức khoa gây mê chi trả, nhưng phần lớn thu nhập từ phẫu thuật lại thuộc về bác sĩ phẫu thuật.

Lương Văn, Trưởng khoa Gây mê một bệnh viện hạng hai ở Thanh Hải, đang chọc dò gây tê tủy sống. Ảnh: Paper

Lương Văn, Trưởng khoa Gây mê một bệnh viện hạng hai ở Thanh Hải, đang chọc dò gây tê tủy sống. Ảnh: Paper

Kiệt sức với mức lương chưa xứng đáng

Năm 2017, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Health cho thấy bác sĩ gây mê có tỷ lệ đột tử do làm việc quá sức cao nhất, chạm mốc 26%. Theo báo cáo, bác sĩ gây mê ở bệnh viện hạng ba trung bình thực hiện 592 ca gây mê mỗi năm, trong khi ở bệnh viện cấp dưới chỉ 317 ca, tức chưa đến 1 ca mỗi ngày.

Tiến sĩ Lưu Xuân Nguyên cho rằng bác sĩ gây mê ở cả bệnh viện lớn và tuyến cơ sở đều kiệt sức, nhưng tình trạng khác nhau.

"Bệnh viện lớn số ca mổ nhiều, trong khi bệnh viện tuyến cơ sở thiếu nhân sự trầm trọng", ông nói.

Trung tâm Phẫu thuật Gây mê, Bệnh viện Tây Hoa, Đại học Tứ Xuyên có hơn 1.300 nhân viên, với 211 điều dưỡng gây mê. Bệnh viện của bác sĩ Trương Huệ Nhàn chỉ có 5 bác sĩ gây mê. Con số chênh lệch lớn.

Bác sĩ Tạ Tân Long, làm việc tại Trạm Y tế Trung tâm Bình Cẩm, Trùng Khánh chia sẻ, anh làm việc từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, cuối tuần phải "sẵn sàng ứng trực".

"Nếu có cấp cứu, tôi phải có mặt bất cứ lúc nào, kể cả 2-3 giờ sáng", anh nói.

Anh nhớ lại một ngày mùng 3 Tết, đang ăn cơm cùng gia đình thì nhận được điện thoại, phải lái xe hơn 40 phút đến bệnh viện để gây mê cho ca mổ viêm ruột thừa. Một tháng trước và sau Tết là thời gian bận rộn nhất của khoa, số ca mổ, nội soi tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường.

Bệnh viện của bác sĩ Trương Huệ Nhàn yêu cầu trực đêm. Thời gian làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, ca chính từ 8h sáng đến 5h30 chiều. Nếu trực đêm, bác sĩ làm xuyên đến 8h sáng hôm sau. Những năm trước, do thiếu nhân lực gây mê, công việc quá bận rộn, bác sĩ Trương phải giữ điện thoại 24/24, giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn. Mãi đến khi khoa tuyển thêm người, tình trạng này mới được cải thiện.

Trong khi đó, mức lương của bác sĩ gây mê tuyến cơ sở không tương xứng với cường độ công việc cao. Nhiều người cho biết thu nhập thuộc nhóm trung bình thấp của bệnh viện.

Theo dữ liệu năm 2018 của Medscape, thu nhập trung bình hàng năm của bác sĩ gây mê ở Mỹ là 386.000 USD, tương đương khoảng 2,6 triệu nhân dân tệ, đứng thứ 7 trong số 29 chuyên khoa được thống kê, cao hơn ung bướu, nhãn khoa và ngoại khoa.

Tại bệnh viện của bác sĩ Trương Huệ Nhàn, thu nhập của bác sĩ gây mê chỉ bằng khoảng một nửa so với bác sĩ phẫu thuật, không có phụ cấp ngày lễ. Trưởng khoa Lương Văn, sau hơn 30 năm công tác, lương hàng tháng chưa đến 10.000 nhân dân tệ, phụ cấp trực mỗi lần 20 nhân dân tệ.

Công việc vất vả, lương thấp, khó thăng tiến, thiếu thốn nguồn lực khiến nhiều sinh viên mới ra trường e ngại khoa gây mê. Bác sĩ Ngô Tiểu Phong, từng làm việc tại một bệnh viện tuyến cơ sở cho biết, ngay cả khi có biên chế cũng khó giữ chân người ở lại.

Năm 2018, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành thông báo về việc tăng cường và hoàn thiện dịch vụ gây mê, nhằm xây dựng đội ngũ bác sĩ, mở rộng phạm vi phủ sóng, đảm bảo chất lượng, an toàn của ngành.

Thông báo nêu rõ: "Cần xem xét đầy đủ đặc thù công việc và giá trị lao động kỹ thuật của gây mê, ưu tiên cho nhân viên y tế khoa gây mê. Các bệnh viện cung cấp điều kiện sống và làm việc tốt, giảm bớt áp lực, khuyến khích nhân viên y tế khoa gây mê mở rộng lĩnh vực phục vụ".

Năm 2017, Văn phòng Quốc vụ viện ban hành "Hướng dẫn về việc thúc đẩy xây dựng và phát triển liên minh y tế", nhằm tích hợp nguồn lực y tế ở ba cấp huyện, xã, thôn. Trong bản hướng dẫn có cơ chế "điều động lên xuống": cử nhân viên y tế cơ sở đến bệnh viện tuyến trên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.

Dịch vụ gây mê ngoại trú mở ra một hướng phát triển khác. Các bác sĩ tin rằng chăm sóc ngoại trú cải thiện việc đánh giá bệnh nhân và hiểu biết của công chúng về bác sĩ gây mê cũng như rủi ro của kỹ thuật này. Đây cũng là chìa khóa cho hiệu suất chung của bệnh viện. Dịch vụ này bao gồm gây mê trong nội soi dạ dày, đại tràng, khâu tầng sinh môn, hút thai lưu, chích áp xe, khâu vết thương...

Thục Linh (Theo Sixth Tone, Paper)