Ba trụ cột chính của ngành lâm nghiệp

Admin

(Chinhphu.vn) - Ông Cao Đức Phát, Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cho rằng công nghệ số, giống và chế biến sẽ là những trụ cột chính của ngành lâm nghiệp.

Ba trụ cột chính của ngành lâm nghiệp- Ảnh 1.

Nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát tham quan các gian hàng triển lãm tại trường đại học Lâm nghiệp

Tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý sản xuất lâm nghiệp bền vững ngày 15/11, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, một thời gian dài, ngành lâm nghiệp tập trung vào việc tăng tỷ lệ che phủ rừng, lấy động lực thị trường làm sức bật tăng trưởng.

Giai đoạn mới, ngành lâm nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, như: các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra, khai thác thác tài nguyên rừng không bền vững dẫn đến suy thoái hệ sinh thái rừng; cạnh tranh thương mại đối với các mặt hàng từ gỗ ngày càng lớn, đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của sản phẩm từ rừng...

Do đó, nguyên Bộ trưởng cho rằng, cần tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả hơn để quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững, đồng thời, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng và đảm bảo các sản phẩm lâm sản có nguồn gốc hợp pháp.

"Giờ là lúc chúng ta cần phát triển đồng thời, vừa duy trì động lực từ thị trường, vừa khai phá thêm động lực mới từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo", ông Phát nói.

Lấy ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) chỉ ra, phải mất hàng chục năm, giá gạo Việt Nam mới tăng từ 450 lên 600 USD/tấn. Tuy nhiên, chỉ cần một sản phẩm công nghệ - gạo ST25 - ngưỡng 1.000 USD/tấn đã được chinh phục trong vòng vài năm.

Trên cơ sở đó, ông Cao Đức Phát đề xuất các đơn vị liên quan trong ngành lâm nghiệp nên tìm kiếm những giá trị mới, giá trị tăng thêm, xây dựng ngành lâm nghiệp bền vững vì sinh kế của hơn 20 triệu người dân đang sống dựa vào rừng.

Với riêng Trường Đại học Lâm nghiệp, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhắn nhủ, nhà trường phải là đơn vị tiên phong trong việc phổ biến những công nghệ sinh học mới như chỉnh sửa gen để các giống mới có thể được sản xuất nhanh hơn, chinh xác hơn và rẻ hơn khi đến tay chủ rừng.

"Phát triển khoa học công nghệ, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là con người. Từ đó, chúng ta mới có thể nảy ra các sáng kiến", ông bày tỏ.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Gần 128 nghìn ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm ở Đắk LắkGần 128 nghìn ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm ở Đắk Lắk
Tham khảo thêm
Nhiều khó khăn khi sắp xếp lại doanh nghiệp nông, lâm nghiệpNhiều khó khăn khi sắp xếp lại doanh nghiệp nông, lâm nghiệp