Ba khối bướu dính liền chèn tủy sống khiến bé gái liệt chân

Admin

TP HCMBa khối bướu máu dính liền nhau ở ống sống và cơ thắt lưng chậu, chèn ép dây thần kinh khiến Linh, 15 tuổi, liệt hai chân.

Ngày 14/10, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hai bướu trong ống sống bệnh nhân kích thước 10x5x3 cm và 4,5x1x1 cm, một bướu ở cơ thắt lưng chậu kích thước 10x12 cm nằm ở khoang sau phúc mạc, dưới thận và sau đại tràng, cạnh trái cột sống. Bướu chèn ép các dây thần kinh tủy sống khiến bệnh nhân đau, liệt hai chân, đẩy cơ thắt lưng chậu ra trước, đẩy thận bên trái ra sau, ngoài ra niệu quản và đại tràng cũng bị lệch.

"Đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi nhỏ tuổi có bướu máu ở tủy sống lớn thế này", bác sĩ Tấn Sĩ nói, thêm rằng hầu hết u xuất hiện ở hai bán cầu đại não, thân não, hiếm khi hình thành ở vùng tủy sống hay khoang phúc mạc.

Linh được phát hiện dị dạng mạch máu vùng cạnh cột sống thắt lưng tạo thành bướu máu, 4 năm trước. Sau 4 lần điều trị chích xơ, thể tích khối bướu giảm, không còn nguy cơ vỡ gây chảy máu. Hai tháng nay, Linh thường xuyên căng tức vùng bụng dưới, hai chân tê bì không thể cử động.

Bác sĩ Sĩ cho rằng nếu không phẫu thuật sớm, bé có nguy cơ liệt vĩnh viễn, song không thể lấy trọn vẹn bướu trong một ca mổ mà phải thực hiện hai ca đại phẫu. Ca đầu tiên giải phóng phần bướu máu chèn ép thần kinh trong ống sống để cải thiện chức năng đi lại cho bé, ca thứ hai lấy nốt phần bướu lớn ở khoang sau phúc mạc. Để tạo điều kiện cho hai ca đại phẫu thành công, êkíp nút mạch khối bướu, ngăn không cho máu đến nuôi bướu, thu nhỏ kích thước, giảm nguy cơ mất máu trong lúc mổ.

Sau 24 giờ nút mạch, bác sĩ Tấn Sĩ và êkíp phẫu thuật với sự trợ giúp của kính vi phẫu K.Zeiss Kinevo 900, hình ảnh 3D lớn, mở đường rạch ở sau lưng, bóc tách hết khối hai bướu ăn lan vào ống sống. Hình ảnh khối tổn thương giống chùm nho có cấu trúc từng quả, mỗi quả là hình ảnh của mao mạch phồng lên bên trong toàn máu.

Sau mổ, triệu chứng tê yếu chân của Linh cải thiện đáng kể, có thể đi lại khi có người trợ giúp. Kết quả giải phẫu bệnh xác định đây là u mạch máu thể hang (Cavernoma).

Bác sĩ Sĩ hướng dẫn bệnh nhân tập đi sau mổ. Ảnh: Bình An

Bác sĩ Sĩ hướng dẫn bệnh nhân tập đi sau mổ. Ảnh: Bình An

Một tuần sau, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cùng êkíp tách lấy phần bướu còn lại khỏi các mô xung quanh. Người bệnh có nguy cơ chảy máu ồ ạt do bướu hình thành từ việc tăng sinh mạch máu quá mức, tổn thương cơ quan lân cận. "Tình huống xấu nhất là phải cắt bỏ thận trái nếu không thể bóc tách phần bướu máu dính vào bộ phận này", bác sĩ Dũng nói. Để ngăn ngừa rủi ro, bác sĩ xem xét kỹ hình ảnh CT trước mổ nhằm xác định chuẩn xác vị trí, mức độ chèn ép của bướu, thuận lợi lấy toàn bộ bướu máu.

Sau mổ một ngày, Linh không còn đau tức bụng, ăn uống ngon miệng, tập vật lý trị liệu để khôi phục hoàn toàn chức năng đi lại. Bệnh nhân xuất viện sau đó một tuần, hồi phục 4/5 vận động hai chân.

U máu thể hang là những cụm mạch máu bất thường chứa đầy máu. U có thể to ra nhưng không phải ung thư và không lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Theo bác sĩ Dũng, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lý u máu thể hang. Tuy nhiên, bệnh có yếu tố di truyền nên nếu ba hoặc mẹ mắc bệnh này, trẻ sinh ra có 50% nguy cơ bị bệnh. Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định, duy trì lối sống lành mạnh nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể, hạn chế biến chứng. Bệnh nhân sau phẫu thuật cần kết hợp liệu pháp vật lý trị liệu, ngôn ngữ trị liệu... để sớm hồi phục.

Thu Hà - Bình An

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi