Trào ngược họng thanh quản xảy ra khi axit dạ dày và các chất tiêu hóa trào ngược lên thực quản hơn mức thông thường và tác động đến vùng họng, thanh quản. Triệu chứng của trào ngược họng thanh quản thường không điển hình và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
ThS.BS Nguyễn Chí Trung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt có nhiều thay đổi dịp Tết làm tăng nguy cơ trào ngược họng thanh quản. Các món ăn truyền thống như nem rán, thịt kho, đồ nếp như bánh chưng... chứa nhiều dầu mỡ và khó tiêu tạo áp lực trong dạ dày. Một số món cay, chua như dưa hành muối, củ kiệu, dễ kích thích dạ dày tiết axit, làm tăng nguy cơ trào ngược. Đồ uống có cồn và chất kích thích cũng là tác nhân tác động mạnh đến niêm mạc dạ dày và thực quản.
Để kiểm soát triệu chứng, bác sĩ Trung khuyên người bệnh trào ngược họng thanh quản hạn chế đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, bánh chưng và thực phẩm nếp. Tránh các món cay, chua như dưa hành, dưa món, củ kiệu và đồ uống có cồn, nước ngọt, thức uống chứa caffein. Ăn các món dễ tiêu như cháo, súp giúp giảm áp lực cho dạ dày. Rau xanh và các loại thực phẩm giàu chất xơ như bông cải xanh, cải bó xôi có tác dụng cải thiện tiêu hóa, trung hòa axit dạ dày.
Ăn quá nhanh có thể gây cảm giác đầy hơi, do đó mọi người nên ăn chậm nhai kỹ. Dùng bữa đúng giờ, tránh bỏ bữa để hạn chế dạ dày tiết nhiều axit khi đói. Uống nước ấm thường xuyên làm dịu cảm giác nóng rát ở họng và thanh quản do axit trào lên. Nước ấm hỗ trợ tuần hoàn máu, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Sau bữa ăn, hãy chờ ít nhất 2-3 giờ mới nằm hoặc đi ngủ. Ngủ ở tư thế nâng cao đầu giường khoảng 10-15 cm giúp giảm nguy cơ axit trào ngược, nằm nghiêng thay vì nằm sấp và nằm ngửa.
Triệu chứng thường gặp nhất là khàn giọng, mất giọng, nhất là vào bữa sáng do axit dạ dày làm tổn thương dây thanh quản. Bác sĩ Trung giải thích cảm giác đau rát họng với cơn đau âm ỉ thường xuất hiện nhiều hơn vào sáng sớm do tư thế nằm khi ngủ dễ làm axit trào ngược lên dạ dày. Ho khan hoặc ho không rõ nguyên nhân kéo dài cũng có thể là dấu hiệu bệnh. Người bệnh còn cảm giác vướng trong cổ họng, đắng hoặc chua miệng.
Axit cũng kích thích niêm mạc họng và thanh quản, khiến người bệnh bị tăng tiết đờm hoặc nghẹt mũi. Trong một số trường hợp, ù tai hoặc đau tai có thể xuất hiện khi viêm kéo dài ở vùng họng lan tới ống tai. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, người có những triệu chứng này nên đi khám để bác sĩ hướng dẫn cách kiểm soát triệu chứng.
Khuê Lâm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |