6 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận hơn 30.000 ca mắc sốt xuất huyết, với ba ca tử vong. Tại Hà Nội, cộng dồn 6 tháng đầu năm, có 940 ca mắc và tăng so với cùng kỳ 2023. TP HCM, có hơn 3.700 ca mắc tính đến 16/6.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Dù quen thuộc, những hiểu lầm về bệnh còn tồn tại, ảnh hưởng tới điều trị và phòng bệnh.
Muỗi chỉ sống ở nơi ao tù, nước đọng
PGS.TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết muỗi vằn ưa thích đẻ trứng ở khu vực nước sạch. Trong quá trình chống dịch, ông từng gặp gia đình có ổ bọ gậy ngay tại gầm tủ lạnh, lọ hoa trang trí... Muỗi sinh sống cùng với con người và có tập tính hút máu đến no nên có thể đốt nhiều người liên tiếp. Do đó, PGS Thái cho rằng cần loại bỏ môi trường muỗi trú ngụ, bằng cách dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ khu vực nước đọng tại không gian sống như các vật dụng bỏ đi có thể chứa nước, lật úp bình hoa, thay và làm sạch các vật dụng đựng nước thường xuyên...
Sốt xuất huyết chỉ xảy ra vào mùa mưa
PGS Thái cho rằng cần cảnh giác và phòng bệnh quanh năm, dù thời tiết nóng hay lạnh. Lý do, nguồn bệnh ẩn trong cộng đồng, sẽ bùng phát khi đủ cơ hội, điều kiện; quá trình đô thị hóa, sự dịch chuyển dân cư khiến bệnh xảy ra quanh năm.
Chỉ mắc một lần trong đời
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP HCM, nhiều người cho rằng đã mắc sốt xuất huyết thì được miễn dịch sốt đời. Thực tế, virus gây sốt xuất huyết có 4 tuýp khác nhau, gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Một người có thể mắc bệnh tới bốn lần và cơ thể chỉ tạo miễn dịch với từng tuýp virus đã mắc, không có khả năng phòng ngừa chéo giữa các tuýp. Nguy cơ biến chứng nặng thường tăng cao từ lần thứ hai mắc bệnh trở đi.
Khỏi bệnh khi hết sốt
Bác sĩ Khanh cho biết đây cũng là hiểu nhầm thường gặp. Nhiều người cho rằng hết sốt, hết mệt mỏi, cơ thể khỏe hơn, là dấu hiệu cho thấy bệnh đã thuyên giảm. Thực tế, sốt cao chỉ là triệu chứng bệnh đầu tiên. Các biến chứng nặng thường xảy ra ở giai đoạn hết sốt, như: hội chứng sốc dengue với các biểu hiện phát ban dưới da, chảy máu cam, đau nhức xương khớp, buồn nôn đột ngột. Nặng hơn, bệnh nhân có thể suy đa tạng, bội nhiễm, tử vong. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời khi sốt liên tục từ hai ngày trở lên.
Nhầm lẫn với bệnh khác
Trường hợp thường gặp là nhầm sốt xuất huyết với bệnh khác. Lý do, triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn khi mắc sốt xuất huyết thường khiến bệnh nhân nhầm với cảm cúm. Tình trạng xuất huyết dưới da dễ nhầm với dị ứng hoặc sốt xuất huyết nhẹ, dẫn đến chủ quan, không kịp thời điều trị.
Sốt xuất huyết chỉ xuất hiện ở trẻ em
Thực tế, phân tích dịch tễ những năm gần đây, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ở nhóm trên 15 tuổi và nhóm dưới 15 tuổi tương đương. Nguy cơ biến chứng nặng giữa hai nhóm cũng không chênh lệch. Trong đó, người già, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch và sản phụ là các đối tượng nguy cơ cao.
Có thể tự điều trị
Nhiều người cho rằng bệnh sốt xuất huyết có thể tự điều trị tại nhà nhờ truyền dịch hoặc mua thuốc uống. Thực tế, mỗi giai đoạn bệnh có chỉ định điều trị riêng. Trường hợp nặng còn cần chẩn đoán, theo dõi lâm sàng sát sao và điều trị bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Sốt xuất huyết không gây tử vong
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. Từ kinh nghiệm điều trị, bác sĩ Khanh cho biết giai đoạn nguy hiểm của bệnh từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 sau khi có triệu chứng, cần theo dõi nghiêm ngặt để kịp thời nhận biết và điều trị các biến chứng nặng. Nếu bệnh nhân bị sốc do mất máu, thoát huyết tương, hạ huyết áp, suy đa tạng, có thể tử vong. Đối với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết ảnh hưởng tính mạng mẹ và em bé.
Phòng bệnh thế nào?
Hai chuyên gia đánh giá những lầm tưởng trên khiến người dân chưa thực hiện hoặc thực hiện không triệt để những biện pháp ngừa sốt xuất huyết, dẫn tới ca nhiễm tăng, tạo áp lực cho ngành y tế trong phòng chống và điều trị.
Một trong những biện pháp được bác sĩ Thái nhắc đến là truyền thông về phòng ngừa bệnh hiệu quả. Nhiều người dễ quên, do đó công tác truyền thông cần nhắc lại, tăng cường giáo dục, phổ cập thông tin chính xác về sốt xuất huyết, "không sợ nói thế mà thừa".
Bác sĩ Khanh khuyên người dân cân nhắc giải pháp chủ động hơn trong phòng chống dịch bệnh. Ví dụ vaccine sốt xuất huyết được Bộ Y tế phê duyệt tháng 5 vừa qua, sẽ giúp cơ thể có miễn dịch chủ động, giảm tỷ lệ biến chứng nặng, tử vong, bên cạnh các hoạt động kiểm soát muỗi truyền bệnh.
Các thông tin được hai chuyên gia nói tại tọa đàm "Phòng chống sốt xuất huyết bền vững: Kết hợp giữa kiểm soát muỗi & tiêm vaccine dự phòng", tổ chức ngày 24/6.
Chi Lê