Chúng tôi có nhà riêng trên thành phố. Đợt này nghỉ lễ dài ngày nên đưa con 2 tuổi về chơi với ông bà dưới quê.
Tôi bị chứng khó ngủ nên lạ nhà, suốt đêm không chợp mắt được. Tờ mờ sáng mới ngủ thiếp đi được một lúc thì bị mẹ chồng đánh thức.
Ảnh minh họa
Sáng hôm đó, 6h sáng nhưng chưa thấy chúng tôi dậy nên mẹ chồng không gõ cửa mà xông vào phòng luôn. Sau đó, bà hét lớn khiến chúng tôi choàng tỉnh giấc.
- Cái gì thế này?
Hóa ra bà bị bất ngờ khi bước vào phòng con trai, con dâu lại thấy cảnh chồng tôi nằm ngủ dưới đất còn con dâu và cháu nội thì nằm trên giường. Khi chúng tôi còn chưa kịp hiểu ra chuyện gì vì còn ngái ngủ, mẹ chồng tôi đã lớn tiếng:
- Sao giường có lại không nằm mà lại nằm đất thế? Sao con lại có thể nằm ngủ trên giường ngon lành trong khi chồng nằm dưới đất lạnh lẽo?
Chồng tôi thấy thế liền thanh minh nhanh với mẹ:
- Mẹ đừng hiểu nhầm, chúng con không cãi nhau đâu, mà con cũng tự nguyện nằm đất chứ không phải vợ con bắt nằm đâu.
Ảnh minh họa
Tôi tiếp lời:
- Vâng đó mẹ, cũng tại cái giường của mẹ bé quá và tại chồng con chứ không phải tại con. Tại anh ý ngáy to quá, thằng bé cứ thức giấc suốt xong còn khóc mơ nên con bảo anh ý xuống đất nằm. Trộm vía làm sao từ lúc anh ý xuống đất nằm, cháu nó ngủ ngoan bà ạ.
- Nếu vậy thì phải sang phòng khác ngủ chứ, sao lại nằm đất thế kia, lạnh ốm thì sao. Không thì từ đêm mai, đưa thằng bé sang ngủ với ông bà để ngủ cho con chứ không lại ảnh hưởng giấc ngủ của nó.
Mẹ chồng tôi cưng con trai lắm nên thấy việc con trai phải nằm đất là bà không vui. Tuy nhiên khi được chúng tôi giải thích là vì cháu của bà hay bị thức giấc bởi tiếng ngáy to của bố nên mẹ chồng cũng xuôi lòng hơn.
Ảnh minh họa
Dù đã xóa tan được hiểu nhầm nhưng sau sự vụ này, điều khiến tôi "đau đáu" nhất là làm sao để con không bị ảnh hưởng bởi tiếng ngày của bố?
Tâm sự từ độc giả tuongvan...
Ngủ ngáy là thói quen mà nhiều người mắc phải, nếu tình trạng ngủ ngáy nghiêm trọng và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ thì bố mẹ nên cho trẻ ngủ phòng riêng.
Còn nếu người ngủ ngáy là trẻ thì càng nghiêm trọng hơn. Cha mẹ nên ngay lập tức xem xét và tìm hiểu lý do vì sao con ngủ ngáy.
Nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ ngủ ngáy
Có nhiều lý do khiến trẻ nhỏ ngáy khi ngủ, chẳng hạn như viêm amidan hoặc hạch ở vòm họng. Nghẹt mũi do dị ứng, vách ngăn bị lệch hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên cũng nằm trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngáy. Các yếu tố khác như bị thừa cân hoặc các khác thường trên khuôn mặt, bao gồm sứt vòm miệng hoặc cằm ngắn, đều góp phần tạo ra tiếng động khi con ngủ.
Cha mẹ cũng nên chú ý đến tần suất ngủ ngáy của con
Nếu thỉnh thoảng trẻ ngủ ngáy, thở bằng miệng và tiếng thở khò khè hoặc do bị nghẹt mũi bởi dị ứng gây ra thì có thể xem đây là hiện tượng bình thường. Tình trạng ngáy đều đặn cũng được coi là không đáng lo ngại và điều này sẽ nhanh chóng biến mất khi bé bước vào giai đoạn tiếp theo của giấc ngủ.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ nhận thấy trẻ ngáy quá lớn, ngáy khi ngủ hơn 3 ngày trong tuần hoặc xảy ra trạng thái tạm ngừng thở khi ngủ. Nếu cha mẹ thấy con phải gắng sức để thở hoặc thở gấp thì con có thể mắc phải chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là có thể là một dạng rối loạn nghiêm trọng, có thể góp phần làm cho trẻ buồn ngủ trong ngày, cảm giác khó chịu hoặc cáu kỉnh, xuất hiện vấn đề về hành vi. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt .
Giấc ngủ của trẻ rất quan trọng. Các ông bố bà mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc giấc ngủ của trẻ và không thể bỏ qua vấn đề giấc ngủ của trẻ. Đôi khi một số hành vi tưởng chừng như bình thường lại ẩn chứa những nguy cơ lớn đằng sau. Cha mẹ hãy tìm hiểu và hỏi han nhiều hơn, chú ý đến những thay đổi nhỏ ở con, để con lớn lên thật khỏe mạnh.
