6 năm vô sinh do đứt gãy ADN tinh trùng

Admin

Hà NộiAnh Tuấn, 39 tuổi, tinh trùng yếu và bị đứt gãy ADN nên nhiều lần điều trị hỗ trợ sinh sản thất bại, sau 6 năm mới có con nhờ thụ tinh ống nghiệm.

Vợ chồng anh Tuấn - chị Hà từng hai lần đậu thai tự nhiên nhưng thai ngoài tử cung. Chị Hà phải cắt vòi trứng phải khiến cơ hội mang thai tự nhiên giảm mạnh. Họ thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IUI) tại một bệnh viện song thất bại. Vài tháng sau, vợ chồng tiếp tục thụ tinh ống nghiệm (IVF), chuyển phôi thành công nhưng thai sinh hóa.

Năm 2020, khi chị Hà bước sang tuổi 30, cả hai đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) thăm khám, tìm cơ hội có con trước khi bước qua "thời điểm vàng". Anh Tuấn xét nghiệm tinh dịch đồ được chẩn đoán tinh trùng yếu, đứt gãy ADN. Bác sĩ Lưu Quang Quý cho hay tinh trùng có ADN bị phân mảnh có thể là nguyên nhân chính gây thụ tinh thất bại, sảy thai thường xuyên và tỷ lệ đậu thai thấp khi thực hiện hỗ trợ sinh sản. Bác sĩ Quý chỉ định anh Tuấn gom tinh trùng để nuôi cấy phôi chất lượng tốt, tăng tỷ lệ IVF thành công.

TS. BS Nguyễn Thị Liên Hương, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thăm khám, tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

TS.BS Nguyễn Thị Liên Hương, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, khám và tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Chị Hà được dùng thuốc kích thích nhẹ buồng trứng theo phác đồ cá thể hóa. Cùng ngày, anh Tuấn được thu mẫu tinh trùng, lọc rửa tinh dịch, chọn ra những tinh binh tốt nhất để tiêm vào bào tương noãn (kỹ thuật ICSI). Kết quả thu được 7 phôi ngày 3 chất lượng tốt. Bác sĩ chuẩn bị niêm mạc tử cung theo phác đồ riêng, chuyển một phôi vào lòng tử cung, chị Hà đậu thai. Chị sinh con trai khỏe mạnh, nặng 3,2 kg.

Năm 2024, vợ chồng quay lại bệnh viện, được bác sĩ chuyển hai phôi ngày 3 thành công. Gia đình đón con thứ hai nặng 3,4 kg bằng phương pháp sinh mổ.

Theo bác sĩ Quý, tinh trùng phân mảnh ADN chiếm khoảng 20% trường hợp vô sinh nam. Có nhiều nguyên nhân gây ra bất thường di truyền này như sự phá hoại của các gốc tự do, nhiễm trùng tuyến sinh dục, giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm đường tiết niệu, bệnh đái tháo đường, ung thư hay nhiễm trùng toàn thân... Ngoài ra, môi trường và lối sống không lành mạnh cũng tác động rất lớn.

Bác sĩ khuyến cáo nam giới trong độ tuổi sinh sản hoặc vô sinh nên sớm đi khám, thực hiện tinh dịch đồ và xét nghiệm phân mảnh ADN. Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh điều chỉnh lối sống (ví dụ như ngưng thuốc lá, rượu bia, quản lý căng thẳng, bổ sung chất chống oxy hóa như vitamin C, E...) hoặc kết hợp điều trị bệnh lý nếu có. Trường hợp nặng có thể được điều trị hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp lọc rửa tinh trùng khỏe mạnh và kỹ thuật ICSI để nâng cao tỷ lệ thành công.

Hằng Trần

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp