5 tác nhân gây viêm phổi thường gặp

Admin

Vi khuẩn phế cầu, virus, các loại nấm, bụi mịn... là nguyên nhân gây viêm phổi thường gặp, có thể phòng ngừa thông qua nhiều biện pháp.

Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa Vùng 2 - Hồ Chí Minh, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho biết viêm phổi phổ biến trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ và người già. Trong bối cảnh Việt Nam ghi nhận nhiều trường hợp viêm phổi biến chứng nặng, bác sĩ chia sẻ các tác nhân dễ gây bệnh dưới đây.

Giao thông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ảnh: Ngọc Thành

Giao thông, bụi mịn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Ảnh: Ngọc Thành

Vi khuẩn

Có nhiều loại vi khuẩn gây viêm phổi như Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), Klebsiella pneumoniae, Acinetobacter baumannii, Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Hib, ho gà, bạch hầu, não mô cầu... Trong đó, phế cầu khuẩn là tác nhân gây viêm phổi cộng đồng và đồng nhiễm ở nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý đường hô hấp như cúm, Covid, sởi... phổ biến nhất. Vi khuẩn từ phổi cũng có thể vào máu gây ra viêm màng não, trụy tim, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có 1,6 triệu người trên toàn cầu tử vong do bệnh liên quan phế cầu khuẩn, chủ yếu do viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi phế cầu từ 10-20%, tăng đến 50% ở người cao tuổi.

Các yếu tố làm tăng khả năng viêm phổi do phế cầu gồm hệ miễn dịch suy yếu, mắc bệnh mạn tính, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc có thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia.

Virus

Trong một nghiên cứu ở 103 bệnh nhân (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) mắc viêm phổi, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, từ tháng 7-12/2024, tác nhân vi khuẩn, virus gây viêm phổi nhiều nhất gồm cúm A, Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp RSV. Ngoài ra, có nhiều loại virus như thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi... cũng gây viêm phổi.

Theo bác sĩ Khương, phổi bị viêm do virus có thể chứa dịch, tụ mủ khiến quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide trong phế nang bị rối loạn, gây sốt cao, ớn lạnh, ho, đau ngực, khó thở. Trường hợp nặng có thể phải thở oxy, thở máy hoặc ECMO - hệ thống tim phổi nhân tạo. Các trường hợp tử vong do sởi, cúm... ghi nhận từ đầu năm đến nay chủ yếu do viêm phổi, suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Nấm

Viêm phổi do nấm (nấm phổi) có nguy cơ tử vong đến 70% nếu không được điều trị kịp thời. Tác nhân gây ra nấm phổi gồm nấm Candida, Aspergillus, Cryptococcus.

Bệnh gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, ra mồ hôi, sốt, ho có đờm, ho ra máu, đau tức ngực, khó thở... Bệnh diễn biến âm thầm và có triệu chứng dễ nhầm với bệnh khác khiến nhiều người bỏ qua, hoặc không được chẩn đoán đúng bệnh, dẫn đến điều trị muộn.

Bụi mịn

Bụi mịn là các phân tử vô cơ hoặc hữu cơ bay lơ lửng trong không khí, thường đến từ đất, cát, bồ hóng, các công trình xây dựng, xưởng sản xuất, phương tiện giao thông... Theo bác sĩ Khương, khi một người hít phải hạt bụi có kích thước lớn sẽ được bắt giữ ở đường thở và đào thải ra ngoài dễ dàng. Còn hạt bụi có kích thước nhỏ sẽ tiến sâu vào trong phế nang, dẫn đến việc đào thải chậm hơn.

Bụi mịn tích tụ trong phổi nhiều ngày có thể gây ra tình trạng viêm phổi. Người bệnh sẽ có biểu hiện ho có đờm, tức ngực, khó thở và có thể dẫn đến biến chứng viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp hoặc nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi.

Hóa chất

Viêm phổi do hóa chất thường có triệu chứng ho khan, ho ra máu, đau ngực, khó thở, đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, mất phương hướng... Dù không thường gặp, viêm phổi do hóa chất nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong.

Có rất nhiều loại hóa chất gây viêm phổi, bao gồm chất lỏng, dạng khí, hay dạng hạt nhỏ trong không gian như bụi, khói. Một số hóa chất chỉ gây bệnh tại phổi, song có loại lại ảnh hưởng đến toàn thân và nhiều cơ quan khác.

Cách phòng bệnh

Để phòng ngừa viêm phổi, bác sĩ Khương khuyên mọi người nên mang khẩu trang khi ra đường. Người dân rửa tay, súc miệng hằng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn để ngăn ngừa và loại bỏ các loại nấm, hóa chất, bụi mịn xâm nhập vào đường hô hấp.

Người lớn tiêm vaccine cúm tại VNVC. Ảnh: Lý Vi

Người lớn tiêm vaccine cúm tại VNVC. Ảnh: Lý Vi

Nơi ở nên sạch sẽ, thoáng mát, không nên hút thuốc lá chủ động và thụ động. Mỗi người nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, uống đủ nước.

Một số tác nhân gây viêm phổi có thể phòng ngừa nhờ vaccine như cúm, phế cầu, não mô cầu, sởi, ho gà, sốt xuất huyết, , thủy đậu...

Với cúm, hiện nước ta có 4 loại vaccine phòng các chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng cúm B. Trong đó loại của Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn còn loại của Việt Nam dành cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cần nhắc lại hằng năm để cập nhật chủng virus cúm đang lưu hành theo khuyến cáo của WHO và củng cố miễn dịch đã bị giảm theo thời gian sau lần tiêm trước đó.

Với phế cầu, hiện có ba loại vaccine gồm Synflorix (Bỉ) phòng 10 chủng phế cầu tiêm từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi; Prevenar 13 (Mỹ) phòng 13 chủng phế cầu, tiêm từ 6 tuần tuổi đến người lớn; Pneumovax (Mỹ) phòng 23 chủng phế cầu. Người từ 2 tuổi đã hoàn thành phế cầu 10 hoặc phế cầu 13 nên tiêm tiếp loại phế cầu 23 để ngừa đầy đủ các chủng phế cầu.

Vaccine sởi có mũi sởi đơn và mũi phối hợp sởi - rubella, sởi - quai bị - rubella, được Bộ Y tế cho phép tiêm từ 6 tháng trong tình hình dịch sởi lan rộng như hiện nay. Mỗi người cần tiêm ít nhất 2 mũi sởi. Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi trước mang thai tốt nhất 3 tháng hoặc ít nhất 1 tháng.

Ngoài ra, gia đình có thể tham khảo để tiêm chủng nhiều loại vaccine đơn và phối hợp phòng các bệnh gây viêm phổi khác như não mô cầu, sốt xuất huyết, thủy đậu, 6 trong 1, 5 trong 1, 3 trong 1 phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván, 2 trong 1 phòng bạch hầu - uốn ván.

Tuấn An